Đột phá từ nghị quyết về "tam nông"
06/08/2021 | Tác giả: Hải Yến
Hơn 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (ngày 5/8/2008) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã có những cách làm sáng tạo, đi đầu từ nhận thức đến hành động cụ thể. Nghị quyết về "tam nông" như luồng gió mới, khích lệ nông dân Quảng Ninh năng động, đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại
Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, dịch vụ, tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế không cao. Song tỉnh luôn xác định kinh tế nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, có ý nghĩa trong việc ổn định, phát triển khu vực nông thôn, cung cấp sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cho ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch của địa phương. Khu vực nông thôn của tỉnh cũng có nhiều dư địa phát triển, với những tiềm năng, lợi thế về đất đai, ngư trường rộng lớn...
Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc ban hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều đề án, chương trình trọng tâm. Điển hình phải kể đến Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2020; Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2013-2016 và giai đoạn 2017-2020; Đề án 196 về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020... Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 27/10/2010) về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020, để tập trung thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển nông dân.
Để Nghị quyết số 26-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, Quảng Ninh đã xác định quy hoạch là yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện. Theo đó, tỉnh đã phê duyệt 14 quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết lĩnh vực ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Từ đó, góp phần tạo nền tảng vừa phát triển sản xuất, vừa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh thu hút 52 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng... Với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, trung bình mỗi năm tỉnh dành gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho thực hiện Nghị quyết “tam nông”.
Một trong những điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp chính là tỉnh đã kiên trì thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Quảng Ninh đã hình thành được 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung phát triển gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi như: Vùng vải 970ha; vùng trồng hoa 115ha; diện tích rau an toàn tăng 631ha; vùng trồng lúa chất lượng cao 4.600ha, vùng trồng cam 547ha; vùng trồng cây dong riềng 328ha; vùng nuôi thủy sản siêu thâm canh, vùng trồng cây dược liệu cùng nhiều vùng sản xuất tập trung khác trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Hằng năm, tỉnh dành 4-5% tổng chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN, đặc biệt là khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Những thành quả trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất giống đã góp phần nâng cao năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh, cho biết: Tập đoàn Việt - Úc đã tham gia đầu tư tại rất nhiều địa phương trong cả nước, song đến với Quảng Ninh, chúng tôi có ấn tượng rất đặc biệt, nhất là sự vào cuộc quyết liệt cũng như tạo điều kiện tối đa của cấp ủy, chính quyền địa phương. Do đó, Tập đoàn đã đầu tư dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích ban đầu hơn 300ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã có những kết quả tích cực, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng ngoài mong đợi, đảm bảo nguồn con giống sạch và kiểm soát được rủi ro trong quá trình nuôi. Chúng tôi đã và đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất giống với lộ trình phù hợp để nâng công suất sản xuất giống lên khoảng 8 tỷ con giống/năm, nhằm đảm bảo đủ cung cấp cho thị trường Quảng Ninh cũng như các tỉnh phía Bắc.
Bên cạnh đó, từ năm 2013 tỉnh đã triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Đây là cách làm linh hoạt, sáng tạo của Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng giá trị nông sản thông qua chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại bài bản. Thông qua chương trình, đã thu hút trên 487 sản phẩm tham gia, trong đó 238 sản phẩm đạt sao. Năm 2021 Trung ương đã công nhận 3 sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Quảng Ninh tiếp tục tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, sản phẩm theo hướng tập trung cho 12 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và 6 sản phẩm định hướng quốc gia.
Các địa phương trong tỉnh đã quán triệt quan điểm xuyên suốt là lấy người dân làm chủ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức cũng như phương thức sản xuất của người nông dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú cho biết: Ba Chẽ là huyện miền núi với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, trong quá trình triển khai phát triển sản xuất, mở rộng các mô hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở đã phân công phân nhiệm rõ ràng trong toàn hệ thống chính trị, tích cực tuyên truyền vận động, “cầm tay chỉ việc” cho bà con nhân dân trên toàn địa bàn. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã có khoảng 160 hộ viết đơn xin tự nguyện thoát nghèo, đồng thuận cùng với chính quyền tích cực thực hiện giảm nghèo. Đến nay, Ba Chẽ chỉ còn 47 hộ nghèo, tỷ lệ giảm chỉ còn 0,85% và hiện không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn.
Có thể thấy, từ các chính sách đầu tư cho "tam nông", ngành Nông nghiệp Quảng Ninh liên tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Cơ cấu ngành Nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Giá trị gia tăng bình quân nông nghiệp tăng trên 3,8%/năm; tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành bình quân giai đoạn 2008-2020 tăng 18,24%/năm.
Tiếp tục đi vào chiều sâu
Trong hành trình thực hiện nghị quyết “tam nông”, Quảng Ninh đã được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá rất cao về cách thức triển khai khi luôn là địa phương tiên phong, sáng tạo, tìm những hướng đi riêng phù hợp với đặc thù của địa phương. Các cấp địa phương đã quán triệt sâu sắc phương châm lấy người dân làm chủ thể, ngân sách nhà nước tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất.
Nhờ đó, tư duy ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước của người dân đã được khắc phục. Diện mạo nông thôn của Quảng Ninh ngày càng khởi sắc, thay đổi theo hướng đô thị ngày càng rõ. Nổi bật như TX Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2015).
Đến với Việt Dân - xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong toàn quốc của TX Đông Triều, chúng tôi cảm nhận rõ nét những đổi thay vượt bậc từ cảnh quan, môi trường đến đời sống, thu nhập của người dân. Từ việc mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các tổ sản xuất, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung, người nông dân nơi đây đã cùng nhau hỗ trợ, tương trợ nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giá trị trên mỗi ha sản xuất của người nông dân đã đạt kỷ lục từ 200-500 triệu đồng, thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với 5 năm trước đây. Đặc biệt, người dân chủ động đầu tư, cải tạo vườn thành vườn mẫu, chỉnh trang nhà cửa và tiếp tục hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm, tham gia xây dựng nông thôn thêm xanh, sạch, đẹp.
Ông Nguyễn Ngọc Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Dân, cho biết: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, cấp ủy chính quyền xã luôn chỉ đạo tổ chức chương trình, hoạt động gắn với lợi ích của người dân và huy động sự tham gia tích cực của nhân dân. Sự đồng lòng, đồng thuận tham gia vào cuộc của nhân dân đã góp phần hoàn thiện nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương như: Vệ sinh đường làng ngõ xóm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển mô hình sản xuất…
Đến nay, toàn tỉnh có 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 92/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nghị quyết về “tam nông” đã tạo nên một diện mạo mới cả về chất và lượng cho khu vực nông thôn, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các công trình hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế được đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn là công tác xóa đói, giảm nghèo đã đi vào thực chất hơn, bền vững hơn.
Sau 10 năm thực hiện nghị quyết, toàn tỉnh chỉ còn 833 hộ nghèo, bình quân hàng năm giảm 0,87%. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị ngày càng được thu hẹp. Nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận nhân dân tại địa bàn khó khăn được nâng lên. Nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo; người dân đã chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được củng cố, nâng lên rõ rệt, từ 73,3% năm 2016 lên 96% năm 2020.
Chị Đàm Thị Thân (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ), bộc bạch: Sau khi được cán bộ tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tôi đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới và tình nguyện hiến đất để làm đường. Đây cũng là vì lợi ích của người dân chúng tôi. Vì vậy, gia đình tôi đã tình nguyện hiến 100m2 đất cùng nhiều cây cối hoa màu để làm đường nông thôn mới ở xã.
Có thể thấy, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã mang lại nhiều thành tựu bứt phá cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tỉnh Quảng Ninh cũng đã nghiêm túc nhìn nhận một số khó khăn, tồn tại. Đó là: Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp, nông thôn phát triển chưa đồng đều. Kết nối, kinh tế nông thôn - đô thị, công nghiệp - dịch vụ với nông nghiệp còn hạn chế. Hạ tầng KT-XH vùng sâu, vùng xa có mặt chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chênh lệch giàu - nghèo các vùng có xu hướng gia tăng. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn cao so với điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh; chưa hình thành nhiều các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.
Những khó khăn, tồn tại trên đòi hỏi những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là: Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp với nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Từ đây, tiếp tục mở ra những cơ hội phát triển nhanh, bền vững, toàn diện cho vùng khó khăn của tỉnh.
Với những kinh nghiệm từ thực tiễn cùng cách làm sáng tạo của cả hệ thống chính trị sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp Quảng Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả nghị quyết “tam nông”, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng đẹp giàu, vững bước trên con đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước...
Nguồn: https://baoquangninh.com.vn/