Khai thông thị trường để hết được mùa mất giá
22/12/2018 | Tác giả: Thy Lê
Năm 2018, mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kim ngạch 40 tỷ USD nằm trong tầm tay, tuy nhiên vấn đề thị trường vẫn luôn là nỗi lo đau đáu của người nông dân. Liệu rằng điệp khúc "được mùa mất giá" có được giải quyết dứt điểm trong năm tới?
Đầu ra sản phẩm vẫn luôn là nỗi lo đau đáu của người nông dân
Thời gian gần đây, ngay cả các sản phẩm như bưởi da xanh, tôm hùm… cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng rớt giá.
Đơn cử, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá bưởi da xanh giảm mạnh. Trong tháng 11/2018, thương lái đến tận vườn thu mua bưởi loại 1 (mã đẹp, trọng lượng 1,4-1,8 kg/quả) với giá 32.000 – 35.000 đồng/kg; loại 2 giá 20.000 – 23.000 đồng/ kg, giảm hơn 50% so với 2 tháng trước.
Rủi ro đầu ra
Bưởi da xanh giảm giá là do nhiều nguyên nhân như trái bưởi không đạt, thị trường Trung Quốc cũng có bưởi nên hạn chế mua hàng của Việt Nam. Ngoài ra, bưởi da xanh còn bị cạnh tranh với một số trái cây có múi khác như cam, quýt hiện cũng đang ở mức giá thấp.
Hay Phú Yên và một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ là khu vực nuôi tôm hùm có giá trị xuất khẩu lớn và trở thành sản phẩm của một số địa phương, nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, bất cập như công tác quy hoạch nuôi chưa đồng bộ, thống nhất giữa vùng, liên vùng và địa phương; công tác phòng, chống dịch bệnh thiếu hiệu quả; rủi ro thiên tai lớn.
Đặc biệt là thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu là thị trường Trung Quốc nhưng phần lớn đi theo đường tiểu ngạch khiến cho địa phương và nông dân không yên tâm.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng ngành nông nghiệp muốn phát triển thì sản phẩm phải đạt chất lượng và sạch. Tuy nhiên, khi sản phẩm đã sạch, đã chất lượng, mối lo lớn nhất lại là thị trường.
Hiện nay, ngay cả sản phẩm sạch, chất lượng tốt cũng đang có dấu hiệu bế tắc đầu ra. Ở siêu thị, sản phẩm nông nghiệp sạch chỉ chiếm 9%, nguyên nhân là do siêu thị yêu cầu chiết khấu rất cao, tới 30%.
"Nông nghiệp có vẻ thăng tiến nhanh nhưng người nông dân vẫn lắc lư và dễ ngã", ông Thủy đánh giá.
Theo chuyên gia này, để nông nghiệp phát triển cần có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp (DN) để đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân, hợp tác xã. Tuy nhiên, DN nông nghiệp Việt Nam vẫn "li ti hóa", giống "người gùi hàng đi trên các cây cầu khỉ".
Phải có đột phá
Về thị trường xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra là do làm sản xuất và xuất khẩu gần như tự phát.
Bao nhiêu năm nay, Việt Nam đứng vững tóp đầu về gạo, cà phê, hồ tiêu nhưng chưa chú trọng nhiều tới vấn đề thị trường.
Trong vấn đề nông nghiệp có hai xu hướng lớn là: công nghiệp hóa nông nghiệp và doanh nghiệp hóa nông nghiệp. Công nghiệp hóa để áp dụng khoa học – công nghệ, sản xuất quy mô lớn, đảm bảo chất lượng đồng nhất.
Doanh nghiệp hóa nông nghiệp là các doanh nghiệp cũng tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp, không phải chỉ ở khâu chế biến mà cả ở khâu sản xuất. Nếu làm được điều này, chắc chắn ngành nông nghiệp không phải lo lắng về vấn đề đầu ra.
Cùng với đó là vấn đề mở cửa thị trường. Hiện nay, Việt Nam đang có 6 thị trường lớn cho nông sản là: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Tuy nhiên, ông Hải cho hay với nông sản, cắt giảm thuế quan mới chỉ là một phần, sau đó cơ quan chức năng còn phải đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật, đây mới là điều cốt yếu.
Theo Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong ba khâu đột phá về tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa thực sự đột phá về thị trường: thông tin thị trường mù mờ, đây là cản trở khi hội nhập.
"Nếu chính sách thể chế vướng mắc quá lâu, quan hệ sản xuất sẽ không đột phá và doanh nghiệp không vào được nông nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn", ông Sơn nói.
Theo TBKD