Du lịch nông nghiệp: Tiềm năng chờ khai thác
21/08/2021 | Tác giả: Hải Yến
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch dựa trên việc khai thác và trải nghiệm các giá trị tổng hợp từ thành quả của ngành nông nghiệp. Việt Nam vốn là quốc gia nông nghiệp, do vậy, phát triển du lịch gắn với khai thác lợi thế và thành quả của ngành nông nghiệp đã được xác định từ sớm. Theo đó, nhiều địa phương từ khắp Bắc, Trung, Nam đã và đang quan tâm xây dựng, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.
Tuy nhiên, tùy theo đặc trưng vùng, miền, cách thức canh tác gắn với văn hóa truyền thống của các địa phương, dân tộc mà du lịch nông nghiệp cũng có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gắn với du lịch miệt vườn, kênh rạch; vùng Đồng bằng Sông Hồng là du lịch tham quan, trải nghiệm các làng nghề, làng cổ; vùng trung du miền núi phía Bắc là du lịch nghỉ dưỡng núi gắn với ngắm ruộng bậc thang và trải nghiệm văn hóa...
Thanh Hóa được đánh giá là một trong số ít tỉnh của cả nước có 3 vùng sinh thái là miền núi, đồng bằng và ven biển, với diện tích đất đai rộng lớn, trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 909.766 ha (chiếm 81,85% tổng diện tích tự nhiên). Đồng thời, có các tiểu vùng thời tiết khác nhau, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, như Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND, ngày 16-10-2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... Đây là những điều kiện cơ bản để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp nói chung, nông nghiệp gắn với du lịch nói riêng.
Trong vài năm trở lại đây, du lịch nông nghiệp tại Thanh Hóa bước đầu được quan tâm, với một số sản phẩm đã được xây dựng và đưa vào khai thác, thu hút khách tham quan và mang lại hiệu quả kinh tế. Đó là loại hình du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm sinh thái, văn hóa các làng quê, làng nghề nông thôn. Điển hình phải kể đến Nông trại Golden Cow, huyện Thường Xuân; Nông trại QueenFarm (huyện Quảng Xương); chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (huyện Như Xuân), xã Trí Nang (huyện Lang Chánh); trải nghiệm chụp ảnh hoa sen trong nội thành Thành Nhà Hồ; chụp ảnh hoa súng tại Khu Du lịch Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc); trải nghiệm đồng quê trên địa bàn TP Thanh Hóa; du lịch làng cổ Đông Sơn... Cùng với đó là loại hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng, gắn với trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số ở bản Hiêu, bản Kho Mường (huyện Bá Thước); bản Năng Cát (huyện Lang Chánh)...
Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh hiện có 161 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong đó, có 59 nghề truyền thống, 52 làng nghề, 50 làng nghề truyền thống và 12 làng nghề được công nhận thương hiệu, nhãn mác. Trên cơ sở này, tỉnh ta đang chú trọng đánh giá, xây dựng tiềm năng, lợi thế của một số nghề, làng nghề tiêu biểu gắn với phát triển du lịch. Trong đó phải kể đến các làng nghề chiếu cói huyện Nga Sơn, làng nghề bánh gai Tứ Trụ huyện Thọ Xuân, làng nghề đúc đồng Trà Đông huyện Thiệu Hóa, nghề làm chè lam Phủ Quảng huyện Vĩnh Lộc... Đặc biệt, tính đến tháng 8-2021, có 120 sản phẩm đã được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao và 89 sản phẩm đạt 3 sao; khoảng 20 sản phẩm OCOP được tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh ta đẩy mạnh kết nối các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, tạo ra các mặt hàng lưu niệm đặc trưng, giá trị phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có của ngành nông nghiệp, với phát triển du lịch nông nghiệp ở Thanh Hóa vẫn mới đạt được vài thành quả khiêm tốn. Chẳng hạn, tính đến thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát (năm 2019), sản phẩm du lịch trải nghiệm tại Nông trại Golden Cow (huyện Thường Xuân) đón được khoảng 28.800 lượt khách; hay điểm chụp ảnh hoa súng tại Khu Du lịch Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc) đón được khoảng 8.900 lượt khách... Bên cạnh đó, Thanh Hóa chưa có những sản phẩm du lịch nông nghiệp thật sự đặc trưng, hấp dẫn khách tham quan như miệt vườn Đồng bằng Sông Cửu Long, làng rau Trà Quế (Quảng Nam) hay làng gốm Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); các sản phẩm du lịch nông nghiệp còn khá nghèo nàn; việc liên kết giữa các địa phương, các điểm đến với các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp du lịch trong xây dựng sản phẩm, quảng bá, đưa khách du lịch đến tham quan còn rất hạn chế. Việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp ở tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Việc quy hoạch, xây dựng, khai thác, phát triển các sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa tương xứng với số lượng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Ngoài ra, nhân lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động du lịch nông nghiệp còn thiếu và yếu; còn người nông dân vốn quen với việc sản xuất nông nghiệp mà chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng làm du lịch...
Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trung tâm du lịch của cả nước. Theo đó, tỉnh ta đã và đang chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đẳng cấp, chất lượng và có tính cạnh tranh cao. Với lợi thế và dư địa lớn cho phát triển, thiết nghĩ, du lịch nông nghiệp rất cần được tỉnh ta quan tâm đầu tư để trở thành một trong những sản phẩm du lịch quan trọng. Muốn vậy, trước hết cần kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gắn với xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, các trang trại đạt chuẩn. Đồng thời, tích cực liên kết, hợp tác với doanh nghiệp du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, cũng như đưa sản phẩm đến với du khách. Chẳng hạn như xây dựng một số mô hình trải nghiệm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và các tour tham quan cảnh sắc, văn hóa làng quê, làng nghề truyền thống để thu hút du khách tham gia trải nghiệm. Cùng với đó, tận dụng và khai thác hiệu quả chương trình OCOP để tạo ra các mặt hàng lưu niệm - đặc sản, sản vật địa phương, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh xứ Thanh.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/