Thúc đẩy kinh tế số

Thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn

21/08/2021 | Tác giả: Hải Yến


Đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp bán được nhiều nông sản hơn mà còn từng bước thúc đẩy kinh tế số khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là nhiệm vụ được các doanh nghiệp bưu chính coi là trách nhiệm của mình trong chiến lược thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn
Nhân viên Bưu điện Việt Nam vận chuyển sản phẩm xoài Sơn La đến với khách hàng.

Từ 2 năm trước, hai doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) thuộc Tập đoàn Viettel đã xây dựng các sàn thương mại điện tử với tên gọi Postmart.vn và Vỏ Sò (voso.vn) để hỗ trợ người dân bán đặc sản vùng miền. Nhưng phải đến đầu năm nay khi dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài thì việc bán hàng qua mạng mới được đẩy mạnh. Từ tháng 5-2021, chung tay hỗ trợ người dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều, các doanh nghiệp bưu chính, sàn thương mại điện tử đã giúp nông dân tiêu thụ hơn 8.000 tấn vải thiều tới người dân cả nước.

Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hiện sàn thương mại điện tử Postmart.vn đã có 6.280 hộ nông dân lên sàn, gần 11.000 sản phẩm đã được bán. Đáng chú ý, Postmart.vn đã tiêu thụ hơn 85 tấn trái cây cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Còn theo ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post, sàn Vỏ Sò đã triển khai đạt 8,1 triệu hộ sở hữu gian hàng số, qua đó, giúp các hộ dân thay đổi tư duy bán hàng, ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm.

Như vậy, việc hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn đã, đang từng bước được các doanh nghiệp bưu chính triển khai. Đây cũng nằm trong kế hoạch tổng thể thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra. Trong đó, tại Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT (ngày 21-7) về Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra 3 nội dung chính: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông), hồi tháng 5-2021, qua 2 sàn Postmart.vn và voso.vn, người dân các địa phương được ăn vải tươi bởi các sàn cam kết giao hàng sau 48 giờ đồng hồ đến đến tay người tiêu dùng. Đáng chú ý, lần đầu tiên, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới tới người Việt xa quê tại Bỉ, Đức, Séc trong 96 giờ…

Liên quan đến công tác quản lý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã giao các sở thông tin và truyền thông địa phương tham mưu cho UBND, phối hợp với các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương cùng 2 doanh nghiệp bưu chính lớn xây dựng kế hoạch chi tiết thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trong tháng 8 này. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ truyền thông, ứng dụng công nghệ cho bà con (như chuẩn hóa đầy đủ thông tin về tài khoản, hồ sơ hộ nông dân, ID, nền tảng phải được chuẩn hóa để là nền tảng phát triển kinh tế số chung). Hết năm 2021, 2 sàn Postmart.vn và voso.vn sẽ đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn và từng bước triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Về việc triển khai mục tiêu này, ông Phan Trọng Lê chia sẻ thêm, hiện Bưu điện Việt Nam đã xây dựng kịch bản triển khai tại từng địa phương cho các nội dung chính là hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản, mở tài khoản thanh toán, đưa hàng nông sản lên giới thiệu, bán trên sàn Postmart.vn. Ngoài ra, Bưu điện Việt Nam đã có kế hoạch để hỗ trợ nông dân cả nước tiêu thụ nông sản thường xuyên và theo mùa vụ…

Còn ông Trần Trung Hưng cho biết, Viettel Post và sàn Vỏ Sò đã chuẩn bị phương án cụ thể để tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp, trước mắt qua hình thức trực tuyến; đồng thời giới thiệu tính năng ưu việt của Vỏ Sò giúp người dân chuyển đổi số dễ dàng… Dự kiến trong năm nay, Viettel Post sẽ đưa 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ lên môi trường số, để các hộ chủ động sản xuất và vươn lên trở thành một doanh nghiệp số. Ngoài ra, Viettel Post sẽ hỗ trợ 50% sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp có gắn thương hiệu và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ bằng công nghệ hiện đại.

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/


Chia sẻ trên

21/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Du lịch nông nghiệp: Tiềm năng chờ khai thác

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch dựa trên việc khai thác và trải nghiệm các giá trị tổng hợp từ thành quả của ngành nông nghiệp. Việt Nam vốn là quốc gia nông nghiệp, do vậy, phát triển du lịch gắn với khai thác lợi thế và thành quả của ngành nông nghiệp đã được xác định từ sớm. Theo đó, nhiều địa phương từ khắp Bắc, Trung, Nam đã và đang quan tâm xây dựng, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.

23/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Hà Nội bảo đảm cung ứng trứng gia cầm cho hơn 10,3 triệu dân

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung ứng trứng gia cầm cho hơn 10,3 triệu người dân hiện đang cư trú tại Thủ đô được ngành nông nghiệp Hà Nội đặc biệt chú trọng.

21/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Gỡ khó trong di chuyển của các lực lượng sản xuất nông nghiệp phía nam

Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ NN & PTNT cho biết, tình hình lưu thông vận chuyển nông sản ở các tuyến giao thông như quốc lộ, tỉnh lộ giữa các tỉnh với nhau và với TPHCM đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, tại một vài tuyến đường liên ấp, liên xã, do lực lượng kiểm soát tại chỗ vẫn chưa cập nhật chỉ đạo chung nên còn gây khó khăn trong việc đi lại cho các lực lượng tham gia sản xuất và lưu thông nông sản, hàng hóa.