Đất và vốn “cản đường” doanh nghiệp làm nông
20/11/2018 | Tác giả: Nguyên Hạnh
Một trong những thành quả ấn tượng nhất của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là thu hút số lượng lớn doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, tăng tới 2,5 lần so với năm 2012. Tuy nhiên, con số này được đánh giá chưa đạt được như kỳ vọng.
Tăng giá trị xuất khẩu
Điều hành DN sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu (XK) gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) – chia sẻ, trước năm 2012, do chúng ta mới chú trọng đến số lượng mà chưa để ý đến chất lượng nên dù luôn là quốc gia đứng thứ 2 về XK gạo nhưng giá trị XK rất thấp, không có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cần tháo gỡ “điểm nghẽn” đất và vốn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
"Nếu có cánh đồng liên kết, mỗi năm Việt Nam có thể thu được nhiều hơn chứ không chỉ là 3 tỷ USD giá trị XK gạo như bây giờ. Vấn đề đặt ra là vốn cho DN và nông dân để họ xây dựng mô hình liên kết, chủ động nguồn hàng XK”. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung An |
Ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại cho ngành nông nghiệp nói chung và DN ngành gạo nói riêng, ông Phạm Thái Bình nhận định: Ngành gạo đã có những bước chuyển về chất khi hiện nay có 80% sản phẩm gạo của Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, cạnh tranh được với thị trường gạo thế giới, giá trị ngành gạo cũng tăng rất cao.
“Chỉ tính riêng Trung An, nếu như năm 2016, kim ngạch XK gạo mới đạt 26 triệu USD thì bước sang năm 2017, nhờ tác động của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp với sự xoay trục linh hoạt, ưu tiên cho những sản phẩm gạo có phẩm cấp cao, kim ngạch XK gạo của DN đã đạt 53 triệu USD (tăng tới 105% so với cùng kỳ năm 2016). 10 tháng năm 2018, XK gạo của Trung An đã đạt hơn 50 triệu USD và tiếp tục tăng” – ông Bình cho biết.
Cùng với sự gia tăng về chất, giá trị XK của các DN cũng như ngành nông nghiệp ngày càng tăng cao. Chưa bao giờ làn sóng DN tìm đường về nông nghiệp lại mạnh mẽ đến thế, hầu hết các tập đoàn lớn đều có những dự án “khủng” dành cho nông nghiệp.
Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NNPTNT – cho hay: Số lượng DN sau 5 năm tái cơ cấu ngành gia tăng đáng kể. Năm 2017, đã có 1.955 DN thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014 - 2016. Nếu tính tất cả các DN tham gia trong chuỗi giá trị nông sản thì đến tháng 9.2018, cả nước có trên 49.600 DN, chiếm 8% tổng DN cả nước, trong đó có 8.635 DN trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (chiếm hơn 1%), gấp 2,5 lần so với năm 2012.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” vốn và đất
Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng theo ông Phạm Thái Bình, nông sản Việt Nam nói chung và hạt gạo Việt vẫn chủ yếu đang gia công và bán cho các tập đoàn lớn ở nước ngoài, giá trị thu về không đúng với giá trị thật.
Ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cũng thừa nhận, quá trình tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất với DN gặp nhiều khó khăn do diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ. Đơn cử như tại Hà Nam, bình quân diện tích đất trên đầu người chỉ khoảng 500m2/khẩu. Dù đã qua 2 lần dồn điền đổi thửa để tập trung đất đai phục vụ cho cơ giới hoá, nhưng trung bình đến nay, mỗi hộ vẫn sở hữu 1,7 thửa. “Để thu gom được 180ha đất giao cho một DN, chúng tôi phải đi vận động, thuyết phục hơn 2.000 hộ dân” - ông Ngọc nêu dẫn chứng.
Chuyên gia nông nghiệp ông Đặng Kim Sơn nhận định: Mặc dù trong những năm gần đây, mức độ đầu tư của DN vào nông nghiệp đã tăng lên nhiều, nhưng mục tiêu đạt được DN hóa, thương mại hóa nông nghiệp vẫn còn rất xa, do DN đầu tư vào chế biến còn rất ít, DN đầu tư vào thương mại chưa nhiều, giá trị gia tăng cho nông nghiệp chưa mạnh… Đáng chú ý, vốn đầu tư vào nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng. Do đó, cần thêm các nguồn vốn, nhất là đầu tư công, đầu tư nước ngoài để tạo đột phá, tạo thành chất xúc tác cho thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Sơn nhận định, hiện rất nhiều DN muốn đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, đất đai, thể chế đang là những rào cản lớn. Do đó, muốn DN đầu tư vào nông nghiệp thì việc đầu tiên phải xử lý là vấn đề quỹ đất, cần có các chính sách để đất của người dân không được sử dụng hiệu quả có thể được thuê, được liên doanh, liên kết với DN. Thứ hai, DN cần có cơ sở hạ tầng giao thông. Thứ ba, DN không thể liên kết với nông dân nhỏ lẻ được, mà nông dân phải liên kết với nhau theo HTX, tổ hợp tác, do đó, việc cải cách, tổ chức lại thể chế ở nông thôn là hết sức quan trọng.
Theo Dân Việt