Ra "chợ" toàn cầu, nông sản Việt phải đẹp và chất

Ra "chợ" toàn cầu, nông sản Việt phải đẹp và chất

17/11/2018 | Tác giả: Anh Thơ


Đó là khẳng định của các chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt”. Theo đó, việc liên kết, tháo gỡ các điểm nghẽn phải được thực hiện một cách bài bản và đồng bộ.

Ra

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ động viên 63 nông dân xuất sắc, ưu tú tham gia diễn đàn.

Chợ toàn cầu, nhiều cơ hội, lắm thách thức

Không có những báo cáo, tham luận dài dòng, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III do T.Ư Hội NDVN phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo giao Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện sáng 14.10 ngay từ đầu đã vô cùng “nóng” với những câu hỏi trực diện, đi thẳng vào những vấn đề đang là thách thức của nông sản Việt trên con đường thâm nhập vào chợ toàn cầu.

“Hiện nay các sản phẩm nông sản do nông dân làm ra phải qua khá nhiều khâu trung gian, khiến chi phí sản xuất cũng như giá thành sản phẩm bị đội lên nhiều lần. Vì vậy, cần làm gì để giảm thiểu các khâu trung gian, để tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất cho người nông dân?”, nông dân Lê Văn Thám - thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam - đã “đặt hàng” các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận, trao đổi một số vấn đề cơ bản: Nhận diện tình trạng tiêu thụ nông sản hiện nay của Việt Nam; thời cơ và những thách thức, khó khăn khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia, khu vực tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản; tình hình xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; các giải pháp hỗ trợ nông dân chủ động nắm bắt cơ hội.

Trước băn khoăn của ông Thái Minh Thức (ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP.Cà Mau) về tác động của thẻ vàng Ủy ban châu Âu (EC), ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) khẳng định: “Để được gỡ bỏ hoàn toàn thẻ vàng, chúng ta vẫn cần thực hiện nghiêm những yêu cầu mà EC đã đặt ra, cụ thể: Phải hoàn thiện khung pháp lý; hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống giám sát hành trình tàu cá; nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu thông tin tàu cá từ xa gửi về; thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc”.

Bàn về vấn đề xây dựng thương hiệu mà nhà nông trẻ Nguyễn Văn Hoàng (xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), người trồng 4ha thanh long ruột đỏ “đặt hàng”, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có chương trình hỗ trợ thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu ra nước ngoài.

Cụ thể, chương trình Thương hiệu quốc gia tập hợp một loạt thương hiệu, nhà xuất khẩu uy tín để giới thiệu, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, tới nay đã có 88 thương hiệu uy tín tham gia.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: “Để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng, là chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đáp ứng được 2 yêu cầu này, thời gian qua, Bộ NNPTNT luôn có chương trình lựa chọn những cây, con giống chất lượng cao, đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu”.

Tháo gỡ rào cản

Ông Phan Minh Tâm - Giám đốc Marketing Công ty Phân bón Bình Điền kiến nghị, thời gian tới, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị cung ứng đầu vào kết nối với các đơn vị tiêu thụ đầu ra và nông dân liên kết với nhau. Như thế, các doanh nghiệp và nông dân sẽ có nhiều lợi thế hơn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản...  Đồng thời, cần phải có sự chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro hài hòa giữa các bên.

Trước những băn khoăn của nông dân về vốn sản xuất, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh thủ tục cho vay, đưa ra nhiều thỏa thuận tín dụng phù hợp với nông dân, các mô hình liên kết. “Chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn luôn là ưu tiên hàng đầu” - ông Tần nói.

Tổng kết các phiên đối thoại, có thể thấy điểm chung nhất để khơi nguồn nông sản Việt chính là đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để giảm khâu trung gian, như kết luận của nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt khi kết thúc phiên thảo luận một.

“Dư địa phát triển của nông sản Việt vẫn rất lớn, điều còn lại là chúng ta phải giải quyết tốt các điểm nghẽn về vốn, logistics, lưu thông; tối ưu hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng, đồng hành cùng nông dân đưa nông sản ra thị trường một cách hiệu quả” - TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì khẳng định: “Yêu cầu quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi hiện đại, đáp ứng được yêu cầu, có cam kết đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng”.

“Chính phủ rất chú trọng ưu tiên hình thức nông dân liên kết hợp tác với nhau trong các tổ chức đại diện của mình như HTX, tổ hợp tác. Để giảm thiểu các khâu trung gian thì vai trò của chính quyền, các tổ chức trong việc tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn, nông dân tham gia liên kết cũng rất quan trọng”, TS.Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT.

 

Theo Dân Việt


Tags

Chia sẻ trên

16/11/2018 | Đăng bởi: Nguyễn Tố

Giá nông sản hôm nay 16/11: Giá cà phê tăng 300 đồng/kg, giá tiêu không đổi

Phiên cuối tuần này thị trường nông sản ghi nhận sự chuyển biến tích cực của giá cà phê khi có 2 ngày tăng liên tiếp, dù mức tăng chỉ 400-500 đồng nhưng cũng giúp nông dân phấn khởi hơn. Trong khi đó giá tiêu vẫn không đổi so với hôm qua, dao động ở mức 55.000-57.000 đồng/kg.

17/11/2018 | Đăng bởi: Đình Thắng

Nông nghiệp 4.0: Không “lên tàu”, nguy cơ tụt hậu

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để cơ cấu lại nền nông nghiệp, ứng dụng KH-CN tiên tiến để phát triển nông nghiệp bền vững. Nếu chúng ta để tuột mất cơ hội đáp “chuyến tàu thứ tư” này thì nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn.

16/11/2018 | Đăng bởi: Thế Vinh

Hàng Việt có dễ ra chợ online toàn cầu?

Dù dễ hay khó thì việc đưa hàng hóa lên những mô hình bán hàng online đáng tin cậy trên toàn cầu vẫn là xu hướng hiện nay. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tập dượt và chọn ngách bán hàng để vừa quảng bá thương hiệu vừa nâng giá trị hàng Việt.