Lương thực thực phẩm

Việt Nam hướng tới hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững

19/07/2021 | Tác giả: Hải Yến


(TBTCO) - Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu và đang hướng tới hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Việt Nam hướng tới hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn phòng Bộ NN&PTNT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn phòng Bộ NN&PTNT.

Ngày 16/7/2021, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các bộ: Ngoại giao, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Liên Hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam và các đối tác quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội và các bên có liên quan, tổ chức Đối thoại quốc gia lần thứ hai với chủ đề "Hệ thống lương thực – thực phẩm (LTTP) của Việt Nam: Minh bạch - trách nhiệm - bền vững".

Đối thoại quốc gia lần thứ hai của Việt Nam nhằm chia sẻ với các đại biểu về kết quả trao đổi thảo luận tại các phiên đối thoại trước; chia sẻ dự thảo về các ưu tiên và lộ trình triển khai thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP Việt Nam và kêu gọi sự quan tâm hợp tác, hỗ trợ và đồng hành của các bên liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hướng đến hệ thống LTTP Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân trong hệ thống lương thực thực phẩm, nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng của cả hệ thống. Việc này sẽ giúp chúng tôi làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, cũng là cơ hội để kết nối, phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia (năm 2020). Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% trong năm 2020. Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 41,53 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 24,23 tỷ USD.

Không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối. Đồng thời, công nghệ số kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; cần giảm thiểu thất thoát và lãng phí LTTP, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản và tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững - một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Chúng ta cần hỗ trợ tổ chức nông dân ở cấp cơ sở làm nòng cốt cho liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, đảm bảo cân đối lợi ích của các tác nhân trong chuỗi; phát triển các hình thức hợp tác công – tư đa dạng để thu hút đầu tư tư nhân thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản có trách nhiệm, minh bạch và bền vững; nhân rộng các sáng kiến của các tổ chức nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cấp cơ sở trong kết nối chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân một cách minh bạch và công bằng, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng; giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng thành tựu mới của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát huy tối đa giá trị đa tích hợp cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường của nông sản”.

Hệ thống LTTP của Việt Nam rất đa dạng và đang đối mặt với nhiều thách thức. Các dự báo và thực tế biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam cần có những hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống lương LTTP thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân cả nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam - ông Kamal Malhotra, nhấn mạnh: "LHQ tại Việt Nam sẽ đồng hành hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, cùng với các đối tác phát triển để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững".

Trước những thách thức mà nông nghiệp Việt Nam đang phải đối diện, bà Carolyn Turk  - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nếu không giải quyết sẽ đặt quốc gia vào tình trạng rủi ro không thể hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là lúc để ngành nông nghiệp tự chuyển đổi sang trạng thái xanh, bền vững và bao trùm hơn. WB và các đối tác phát triển khác sẵn sàng cộng lực với Chính phủ và khối tư nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.

Sau hội nghị thượng đỉnh, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ thống LTTP để triển khai thực hiện và rà soát tính phù hợp của hệ thống LTTP với tiếp cận đa ngành, đa cấp đối với các chính sách và chương trình hiện nay có liên quan. Trong quá trình  thực hiện rất cần sự tham gia hợp tác, hỗ trợ và đồng hành của các bộ ngành, các địa phương, các đối tác, các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế... đảm bảo đạt được các đầu ra về dinh dưỡng - sức khỏe, kinh tế - xã hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.


Chia sẻ trên

19/07/2021 | Đăng bởi: YenVu

Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị các Bộ: Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Xây dựng về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012.

20/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp: Xu hướng mới của toàn cầu

Trí tuệ nhân tạo (Al) hiện đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của kinh tế, đời sống xã hội. Và cũng theo xu hướng toàn cầu, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để phát triển nông nghiệp thông minh.

19/07/2021 | Đăng bởi: YenVu

Phát triển kinh tế nông nghiệp: Hạt nhân là doanh nghiệp, hợp tác xã

(HNM) - Chuyển đổi từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, từ sản xuất theo số lượng sang chú trọng chất lượng... là quá trình đổi mới từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Và trong tiến trình chuyển đổi ấy, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chính là hạt nhân, động lực của sự phát triển.