Hàng Việt có dễ ra chợ online toàn cầu?
16/11/2018 | Tác giả: Thế Vinh
Dù dễ hay khó thì việc đưa hàng hóa lên những mô hình bán hàng online đáng tin cậy trên toàn cầu vẫn là xu hướng hiện nay. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tập dượt và chọn ngách bán hàng để vừa quảng bá thương hiệu vừa nâng giá trị hàng Việt.
"Nếu lên trang thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu Amazon và đánh từ khoá "Vietnam Food" thì có kết quả rất buồn cười khi chủ yếu liệt kê các loại sách giới thiệu về món ăn Việt Nam, chứ không thể tìm ra sản phẩm thực phẩm của Việt Nam", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết thực trạng đáng lo ngại này tại buổi gặp gỡ giới doanh nghiệp (DN) thực phẩm ở Tp.HCM mới đây.
Chậm chân với xu hướng mới
Giải thích một phần lý do, ông Dũng cho rằng là vì có những người hoạt động và đưa mặt hàng thực phẩm Việt lên Amazon để bán nhưng chưa hẳn họ thực sự muốn bán mặt hàng đó. Thực ra, họ đưa danh sách mặt hàng lên rồi sau cùng lại bán mặt hàng của những quốc gia khác dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, vấn đề mà vị Phó Chủ tịch VECOM muốn nhấn mạnh là khi đưa hàng lên trang Amazon.com, điều quan trọng là các DN Việt có cơ hội để được thực tập ở một trang bán hàng trên toàn cầu.
Như băn khoăn của Ts. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam), thực trạng vận dụng thương mại điện tử (TMĐT) của các DN Việt Nam vẫn còn đặt ra nhiều dấu hỏi, đặc biệt là các DN trong ngành hàng thương mại nông sản thực phẩm. Liệu cơ hội tham gia vào TMĐT toàn cầu sẽ mở ra như thế nào đối với họ?
Trong vấn đề này, thực tế vẫn còn nhiều rào cản cho DN, trong đó có liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng nếu các DN trong nước không chịu làm thì rốt cuộc sẽ không biết cách để làm được. Do đó, các DN Việt cần quan tâm hơn nữa trong việc đưa hàng Việt ra các "chợ online" toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, điều mong muốn là trong năm 2019, các hiệp hội ngành nghề và cả chuỗi cung ứng trong nước cần phối hợp với nhau cùng Amazon Global Selling tổ chức một hội chợ quy mô lớn nhằm thu hút các seller (người bán hàng online) trên toàn cầu về Việt Nam xem mặt hàng Việt để đưa ra thế giới thông qua "chợ" Amazon.
Về thực trạng vận dụng TMĐT của các DN Việt hiện nay, giới chuyên gia nhận định vẫn chủ yếu là bán theo phương thức B2B (giữa DN với DN), việc tham gia TMĐT để xuất khẩu vẫn theo phương thức đưa hàng (list) lên các trang TMĐT là chính.
Một số liệu thống kê của cơ quan quản lý đáng lưu tâm khi mới có khoảng 200 DN Việt bán hàng trên Amazon – con số rất khiêm tốn so với hàng loạt mặt hàng được xem là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thực phẩm.
Trên thực tế, đa phần các DN vừa và nhỏ trong nước vẫn chưa chú trọng đến việc tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp qua "chợ online" toàn cầu mà không phải qua các seller trung gian.
Có một số ý kiến cho rằng các DN Việt chậm chân trên các "chợ online" mang tính toàn cầu như vậy vì họ còn mù mờ cách thức đưa danh sách hàng hóa lên.
Mặt khác, DN Việt cũng ngần ngại khâu thủ tục thanh toán, vận chuyển và thuế… Ngoài ra, họ cũng chưa tự tin về chất lượng, mẫu mã sản phẩm Việt để đưa lên rao bán cạnh tranh với mặt hàng tương tự ở nước ngoài.
Nông sản thực phẩm Việt cần thu hút các seller toàn cầu
Biết chọn ngách bán hàng
Giới chuyên gia lưu ý là những người bán hàng nhỏ lẻ Việt nên tập làm quen dần với phương thức bán hàng online tầm quốc tế và nên thay đổi từ tư duy nội địa thành tư duy toàn cầu thì mới có thể "lớn" lên được. Trên thực tế, việc rao bán những mặt hàng có giá trị trên các "chợ online" toàn cầu đã mang lại thu nhập "khủng" cho không ít seller Việt.
Chẳng hạn như câu chuyện bột sắn dây được bán với giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg ở chợ Việt, nhưng trên Amazon được rao bán gần 1 triệu đồng/kg.
Hay như một số DN Việt trong ngành nông sản cũng sớm nhắm vào xu hướng này 1 – 2 năm trước. Đơn cử như gạo hữu cơ Hoa Sữa của CTCP Thương mại và sản xuất Viễn Phú thời gian qua cũng thâm nhập sâu vào Amazon. com hay Alibaba.com.
Cần nhắc lại hồi tháng 9/2018, VECOM đã phối hợp cùng với Amazon Global Selling tổ chức sự kiện bài bản mang tên "Bán hàng toàn cầu trên Amazon" tại Hà Nội và Tp.HCM. Gần đây, Amazon còn lập ra trang Global Selling và tạo fanpage bằng tiếng Việt.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, nhiều DN trong ngành thực phẩm Việt bày tỏ rất phấn khởi khi thấy một tập đoàn lớn được mệnh danh là "chợ online" toàn cầu như vậy đã thực sự quan tâm đến thị trường Việt Nam và các seller Việt.
Vì vậy, các DN mong rằng nếu được đưa hàng lên các "chợ online" toàn cầu vốn có mô hình bán hàng đáng tin cậy trên toàn thế giới như Amazon hay Ebay, Alibaba sẽ giúp họ tăng thêm cơ hội mở rộng kinh doanh trên toàn cầu.
Theo khuyến nghị của giới chuyên gia, để thâm nhập thành công vào các "chợ online" toàn cầu, DN Việt cần cân nhắc những bước lựa chọn sản phẩm – vốn quyết định 80% thắng bại của việc bán hàng trên mạng; nhất là cần liên tục nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới lạ và chọn "ngách bán hàng" nhằm tăng sức cạnh tranh, để đưa mặt hàng đến với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.
Đặc biệt, các DN Việt cần một cái tên dễ nhớ, logo ấn tượng để khách hàng toàn cầu ấn tượng về thương hiệu Việt của mình.
Theo Thời Báo Kinh Doanh