Phát triển du lịch

Phát triển du lịch nông thôn: Cần những bước đi thận trọng

17/07/2021 | Tác giả: YenVu


Phát triển du lịch nông thôn là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, giúp chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành”. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ, động lực để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, phát triển du lịch nông thôn vẫn cần những bước đi thận trọng.

Phát triển du lịch nông thôn: Cần những bước đi thận trọng

Mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ và mang tính tự phát

Hội thảo về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, diễn ra chiều 14/7, ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương- cho biết, theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố, có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn và có 365 điểm du lịch nông thôn. Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng ở Ninh Thuận thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Minh Tiến, du lịch nông thôn hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Số lượng lao động tham gia vào du lịch nông thôn chưa nhiều. Ước tính tại các tỉnh, TP có trung bình khoảng 500 - 1.000 lao động trong lĩnh vực du lịch nông thôn. Du lịch nông thôn hiện vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn cũng chủ yếu mang tính chất tự phát.

Sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương hiện chưa đặc sắc. Đặc biệt, thị trường khách du lịch nông thôn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn là khách trong nước (nội địa) và khách tại chỗ (trong tỉnh, TP). Một số trung tâm du lịch bước đầu có thêm du khách nước ngoài, nhưng số lượng còn ít như: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lào Cai, Quảng Ninh…

Do vậy, trong thời gian tới, để phát triển du lịch nông thôn, cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

Cần bước đi thận trọng

Nhằm góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ, tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn, hiện Bộ NN&PTNT và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025 là hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó là có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…

Du lịch nông thôn là xu thế của thời đại. Việt Nam có điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển loại hình du lịch này. Do đó, ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng- đề nghị, Đề án cần làm rõ các khái niệm, bổ sung tiêu chuẩn du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cũng cần làm rõ việc có hay không lưu trú trong du lịch nông thôn.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện việc quản lý du lịch thuộc cấp huyện trở lên. Nếu phát triển du lịch nông thôn thì cấp quản lý cần mở rộng. Khi du lịch thì du khách thường thích lưu trú, như vậy việc chuyển đổi sử dụng đất sẽ đặt ra như thế nào. Bởi vậy, cần xác định là làm du lịch trong nông thôn chứ không phải nông thôn làm du lịch để tránh những tác động sau này. Cùng với đó là có sự chuyển đổi số trong du lịch nông thôn.

Dẫn câu chuyện thực tế tại tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch- cho biết, cách đây 2 năm, câu chuyện Khu du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay tại TP. Đà Lạt khi đi vào hoạt động, rà soát kiểm tra lại thấy rất nhiều vấn đề đặt ra, nhất là việc chuyển từ đất nông nghiệp sang loại hình khác là vấn đề rất khó giải quyết. Bên cạnh đó, là vấn đề quy hoạch. Trước đây, có quy hoạch của địa phương, của huyện, của tỉnh, quy hoạch của ngành nhưng nay, tất cả được tích hợp chung vào Luật Quy hoạch. Cần tính bài toán này. Quy hoạch du lịch nông thôn cần được các địa phương xác định rõ và tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Cũng theo ông Đoàn Văn Việt, để phát triển du lịch nông thôn bền vững cần những đánh giá cụ thể cho từng vùng miền, chẳng hạn đồng bằng sông Hồng, miền núi trung du, hay đồng bằng sông Cửu Long bởi mỗi một khu vực lại có lợi thế, đặc điểm riêng, nên không thể trộn lẫn và phát triển chung chung. Đồng thời cho rằng nếu xây dựng Đề án riêng cho vấn đề này sẽ khó có cái nhìn tổng thể. "Chúng ta cần tầm nhìn và những khảo nghiệm chắc chắn, có thể là vài năm trở lên, sau đó mới đưa ra những chính sách thích hợp. Cần đi từng bước một, đi bước nào chắc bước ấy. Yếu tố thận trọng phải được đặt lên hàng đầu, bởi phát triển du lịch nông thôn hiện còn thiếu cơ sở thực tế", ông Đoàn Văn Việt nhấn mạnh và cho biết về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cố gắng đảm bảo yêu cầu, chỉ đạo Tổng cục Du lịch và các đơn vị có liên quan để hoàn thiện Đề án, để từ đó trình lên Chính phủ.

Thực tế mới chỉ có 1 số địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho phát triển du lịch nông thôn. Hiện nay đang có khoảng 365 mô hình du lịch cộng đồng, nhưng chủ yếu là tự phát. Do đó, ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- cho biết, cần quan tâm đến chính sách cho phát triển du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, rất cần quan tâm đến không gian của du lịch nông thôn.

Để tránh việc lợi dụng du lịch nông nghiệp đất để chuyển mục đích sử dụng đất hay phát triển không đúng mục đích, ông Trần Thanh Nam cho rằng vấn đề là làm sao phát triển mà quản lý được. Phát triển sản phẩm cho du lịch nông thôn, có cần bổ sung thêm điều gì? Những vấn đề trên cần tiếp tục được lấy ý kiến để hoàn thiện.

Phát triển du lịch nông thôn cũng cần hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hoá, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước…


Chia sẻ trên

17/07/2021 | Đăng bởi: YenVu

Đề xuất giảm thuế nhập khẩu lúa mỳ về 0%, ngô 3%

Trong công văn gửi Bộ, ngành, địa phương về việc sửa đổi Nghị định 57 của Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

19/07/2021 | Đăng bởi: YenVu

Phát triển kinh tế nông nghiệp: Hạt nhân là doanh nghiệp, hợp tác xã

(HNM) - Chuyển đổi từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, từ sản xuất theo số lượng sang chú trọng chất lượng... là quá trình đổi mới từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Và trong tiến trình chuyển đổi ấy, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chính là hạt nhân, động lực của sự phát triển.

17/07/2021 | Đăng bởi: YenVu

Tái diễn tình trạng cùng một khu vực nhiều mức giá heo hơi

Nhiều địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, giá heo hơi vì vậy cũng ảnh hưởng theo.