Đề xuất giảm thuế nhập khẩu lúa mỳ về 0%, ngô 3%
17/07/2021 | Tác giả: YenVu
Trong công văn gửi Bộ, ngành, địa phương về việc sửa đổi Nghị định 57 của Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo Công văn 7672 và dự thảo Tờ trình kèm theo, Bộ Tài chính cho biết, thống kê của Bộ NN-PTNT, Việt Nam có 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Những năm gần đây, ngành TĂCN của Việt Nam tăng trưởng đạt 13 -15% năm.
Trong sản xuất TĂCN công nghiệp, nguyên liệu chiếm khoảng 80 - 85% giá thành sản xuất, nhưng hiện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Hiện, mỗi năm Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN, trong đó chủ yếu là ngô, đậu tương và lúa mỳ.
Tại công văn số 09/VIPA ngày 7/6/2021, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu TĂCN, bởi 45 - 50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70 - 75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn do giá TĂCN tăng cao. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm trong quý 4.
Bên cạnh đó, Ủy ban Ngũ cốc Hoa Kỳ cũng có văn bản kiển nghị giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0%. Tại cuộc họp ngày 23/6/2020 với Bộ Tài chính, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã có đề nghị giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng này để giảm giá thành TĂCN trong nước.
Theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các Nghị định Ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, TĂCN có mức thuế suất nhập khẩu MFN là 3%, riêng thức ăn cho tôm là 0%, nguyên liệu sản xuất TĂCN cơ bản có mức thuế nhập khẩu 0%.
Riêng mặt hàng ngô (1005.90.90) có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 5%, cam kết WTO là 5%, thuế suất theo các Hiệp định FTA là 0% (trừ Hiệp định EV là 3,3%, Hiệp định CPTPP là 1%).
Lúa mỳ (1001.9999) có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 3%, cam kết WTO là 5%, thuế suất theo các Hiệp định FTA cơ bản là 0% (trừ Hiệp định EV là 2,5%).
Theo số liệu năm 2020, đối với ngô hạt, thị trường nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đối với lúa mỳ, thị trường nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN chiếm 45% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP và 63/NQ-CP, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu MFN mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99 99 từ 3% xuống 0%. Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3%.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô nhìn chung không tác động lớn đến ngành nông nghiệp trong nước do trong nước chưa trồng được lúa mỳ và mặt hàng ngô trồng trong nước cơ bản chỉ phục vụ cho người.
Bên cạnh góp phần bình ổn giá, việc giảm thuế giúp hạ giá thành đầu vào cho ngành sản xuất TĂCN, giảm giá cho ngành sản xuất bánh kẹo, thực phẩm. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành này vượt qua khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao hiện nay.
Đặc biệt, việc giảm thuế cũng góp phần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Hoa Kỳ.