Nông sản vượt rào vào EU
10/12/2018 | Tác giả: Lê Thúy
EVFTA được kỳ vọng sẽ là thời cơ để nông sản Việt dễ dàng thâm nhập và có lợi thế tại thị trường Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, với các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng.
Bộ Công Thương kỳ vọng, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về xuất khẩu (XK) mặt hàng nông sản sang EU. Hàng nông sản của Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia khác bởi thuế nhiều mặt hàng nông sản XK vào EU sẽ được giảm xuống mức 0%.
Nông sản Việt có nhiều cơ hội tại thị trường EU
Thị trường lớn nhưng khó tính
Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cũng đánh giá khi EVFTA có hiệu lực, với thế mạnh trong sản xuất, Việt Nam có thể đẩy mạnh XK các loại nông, lâm, thủy sản nhiệt đới.
"Đây được coi là tiềm năng XK các sản phẩm thực phẩm, nông sản chế biến sang EU. Ví dụ như các loại trái cây và rau nhiệt đới, các loại gia vị, đồ nội thất bằng gỗ, các loại hải sản và nhuyễn thể nhiệt đới", ông Công cho biết.
Theo bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, với sự ra đời của EVFTA và hàng rào thuế quan được hạ xuống, cơ hội mang lại cho cả hai bên là rất lớn. Đặc biệt, hàng nông sản Việt Nam dễ dàng XK sang EU.
Tuy nhiên, các chuyên gia, cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) đều cho rằng muốn tận dụng được cơ hội này, hàng Việt cần phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe mà phía EU đưa ra.
Theo ông Công, ngoài sức ép từ quá trình cạnh tranh gay gắt, nông sản Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu.
Đây cũng chính là lý do dù nông sản và thực phẩm của Việt Nam XK với số lượng lớn nhưng giá trị lại chưa cao. Ông Paolo Lemma, Tham tán Thương mại Italia, chia sẻ các sản phẩm thực phẩm muốn vào được thị trường EU phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm 100%. Cùng với đó, người tiêu dùng EU cũng rất quan tâm cách đóng gói và thương hiệu của sản phẩm.
Thực tế cho thấy, thương hiệu nông sản đến từ Việt Nam chưa được nhận diện tốt ở EU. Nhiều khi sản phẩm nổi tiếng không được kết nối với nguồn gốc xuất xứ đến từ Việt Nam. "Tôi muốn lưu ý khi XK, DN phải có đặc sắc riêng của mình, thương hiệu của DN phải được nhận diện trước tiên", ông Paolo Lemma cho hay.
Hơn nữa, nhận diện thương hiệu không chỉ của một DN mà cần phải cho người tiêu dùng EU biết tới nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý chứng minh sản phẩm đó là của Việt Nam.
Hiện nay, khoảng 70% nguyên liệu nông sản Việt Nam được thu mua từ nông dân, tỷ lệ DN tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại nhà nước rất ít. Trong khi đó, nông dân lại chưa được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi trồng an toàn, nên khó XK sang thị trường EU.
Đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn
Về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Miriam Garcia Ferrer nhận định: "EU có lịch sử nhập khẩu nông sản từ rất lâu và với số lượng lớn từ các quốc gia như Australia, Nhật Bản… Vì vậy, EU phải đặt ra một quy chuẩn chung. Quy định phải được xác định bởi các quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu. Do đó, chúng tôi không có cơ chế đặc thù cho bất cứ quốc gia nào XK nông sản sang EU và không có chuyện một quốc gia được đặc cách XK những sản phẩm dưới tiêu chuẩn".
Hơn ai hết, DN là người thấu hiểu rõ các quy định này. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc CTCP sản xuất Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), nhớ lại 10 năm trước, DN này chỉ mong bán được sản phẩm, không quan tâm tới việc nên chọn thị trường nào.
"Chính vì thế mà khách hàng khi đó đã mua sản phẩm của chúng tôi với giá rất rẻ. Đó là lý do chúng tôi đã tìm đến thị trường EU", bà Huyền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Huyền cho biết để vào thị trường EU, sản phẩm cần phải đạt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, với các chứng chỉ chứng nhận đi kèm. Vì vậy, DN phải mất một thời gian dài xây dựng chuỗi giá trị, đáp ứng các yêu cầu mà phía EU đưa ra bằng việc tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, DN cần phải chuẩn bị tiềm lực về tài chính, qua đó xin cấp phép các giấy chứng nhận, chứng chỉ về chất lượng sản phẩm.
"Đến nay, Vinasamex đã có 8 chứng chỉ công nhận về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tùy từng loại chứng chỉ mà có giá khác nhau. Cụ thể như, chứng nhận BRC (Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc) tốn chi phí 200- 300 triệu đồng. Song, với chứng nhận hữu cơ (organic) quốc tế, do Việt Nam chưa có đơn vị nào chứng nhận nên DN phải thuê đơn vị nước ngoài đến để đánh giá, tốn khoảng 3-4 tỷ đồng", bà Huyền cho biết. Điều này cho thấy tiềm lực tài chính là rất lớn nên không phải DN Việt Nam nào cũng có thể xin được các chứng chỉ như trên.
Ông Võ Văn Thường, CTCP chế biến thực phẩm XK G.O.C, nhìn nhận nông sản Việt Nam đang phải cạnh tranh với Philippines, Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường EU. Từ đó, Việt Nam cần xác định những mặt hàng nào có lợi thế nhất để XK sang EU.
Hơn nữa, EU là thị trường khó tính, đưa ra tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, sản phẩm không chỉ phải đáp ứng chất lượng mà còn phải góp phần bảo vệ môi trường. Hàng năm, tiêu chuẩn đó cũng thường xuyên được nâng cấp.
"EVFTA sẽ thực sự mang lại cơ hội cho nông sản Việt Nam. Nhưng các DN nên nhớ rằng việc XK vào EU không nên vì số lượng mà giá trị phải tăng cao thì mới có cơ hội đầu tư vào con người và hiện đại hóa toàn bộ hệ thống", ông Thường đánh giá.
Theo TBKD