Nông sản khó cạnh tranh vì còn nặng khâu trung gian
18/09/2018 | Tác giả: Admin
Giá bán lẻ sản phẩm nông sản hiện nay thường gấp nhiều lần so với giá gốc tại nhà vườn hay cơ sở sản xuất. Mức giá chênh lệch cao này được cho là không phải chỉ do thương lái "ăn dày", mà vì còn tiêu tốn quá nhiều cho các chi phí trung gian khác, trong đó vận chuyển, logistics là điển hình.
"Ra lò" sản phẩm mới là loại ống hút thân thiện môi trường có nguồn nguyên liệu từ cây cỏ bàng mọc hoang dã ở vùng quê, nhưng ông Trần Minh Tiến, chủ cơ sở sản xuất ống hút sạch 3T ở xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Hòa (Long An) cho biết, giá mỗi cái ống hút này là 600 đồng, gấp 10 lần ống hút nhựa thông thường.
Mức giá này cao một phần vì đây là sản phẩm sạch, chế biến công phu, tuy nhiên theo ông Tiến, các chi phí trung gian như vận chuyển, bảo quản đang chiếm đến 30% giá thành.
Ám ảnh chi phí
"Tôi làm ra sản phẩm mới này không phải để thay thế toàn bộ ống hút nhựa, mà là thêm một lựa chọn cho người tiêu dùng. Thế nhưng chi phí trung gian phần nào ảnh hưởng đến giá thành. Với loại hình là doanh nghiệp (DN) nhỏ, tôi cần tính toán về chi phí sao cho hợp lý hơn", ông Tiến chia sẻ.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về mức giá của sản phẩm nông sản bị ảnh hưởng bởi chi phí trung gian, chẳng hạn như chi phí vận chuyển.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital, cho biết nếu giảm được chi phí vận tải thì sẽ giảm rất nhiều chi phí cho các DN Việt Nam để tăng sức cạnh tranh.
"Chi phí vận tải và logistics của các DN ở Việt Nam vẫn cao hơn 40% so với nhiều quốc gia trong ASEAN. Điều này rõ ràng là bất hợp lý. Để giảm chi phí đó xuống đòi hỏi cần phải dùng công nghệ để giúp DN Việt Nam", ông Don Lam nhấn mạnh.
Ngoài chi phí logistics, việc "ăn dày" ở khâu trung gian cũng còn nhiều bàn cãi, nhất là ở lĩnh vực nông sản. Cách đây vài tháng, khi sầu riêng ở vườn rớt giá (dao động chỉ 20.000 – 60.000 đồng/kg) thì tại các siêu thị, cửa hàng vẫn bán với mức giá bán lẻ 160.000 – 200.000 đồng/kg.
Việc giá thấp ở nhà vườn được lý giải là vì sầu riêng trúng mùa nên nguồn cung dồi dào khiến giá giảm mạnh. Hoặc do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm, một số đầu mối thu mua lớn đòi hỏi phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm mới chịu nhập.
Tuy vậy, khi nói về mức chênh lệch giá, nhiều ý kiến cho rằng: "Chỉ nông dân và khách mua là khổ thôi, khâu trung gian lời hết rồi. Nông sản nào cũng vậy. Hiệp hội ngành nghề yếu, hệ thống phân phối kém".
Hoặc đơn cử như giá tôm ở Sóc Trăng, nông dân bán ra chỉ 80.000 – 100.000 đồng/kg nhưng khi ra đến nhà hàng, quán ăn trên Tp.HCM thì mức giá lên đến 400.000 đồng/kg. Chi phí vận chuyển và bảo quản cũng được cho là ảnh hưởng nhiều đến mức giá này.
Bài toán khó giải
Trong chuyện này, theo giới chuyên gia, nếu có HTX đại diện cho nông dân bán hàng trực tiếp thì người tiêu dùng có thể mua giá 200.000 đồng/kg và nông dân được nhận lại 120.000 đồng/kg. Vấn đề đặt ra là cần liên kết và tìm ra mô hình phù hợp để giảm những khâu trung gian không cần thiết.
Nhiều nhận định cho rằng khâu bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng hiện đang có lợi nhuận cao nhất trong chuỗi tiêu thụ thực phẩm nông sản. Chỉ cần cắt bớt đi một khâu trung gian, cả người nông dân và người tiêu dùng đều được hưởng lợi, dù khoản lợi đó chưa nhiều. Tuy nhiên, bài toán khâu trung gian vẫn khó giải quyết triệt để.
Việc chênh lệch giữa giá nông dân bán ra và giá người tiêu dùng mua là do thiếu tính liên kết, hàng hóa trải qua nhiều khâu trung gian. Không giảm được chi phí trung gian không những không nâng được mức tăng trưởng, mà hàng Việt sẽ khó cạnh tranh.
Với các DN nội, điều cần làm trước hết là nên có các biện pháp để giảm các chi phí lưu thông, chi phí ngoài sản xuất, chi phí quản lý gián tiếp và cả những chi phí bất hợp lý, bất hợp lệ, bất hợp pháp, tiết kiệm vật tư nguyên liệu…
Các DN xuất khẩu có chi phí vận tải thấp hơn 1% so với đối thủ cạnh tranh có thể nâng thị phần thêm 5 – 8%. Trong khi đó, chậm trễ thêm một ngày sẽ làm chi phí sản xuất tăng thêm 1%.
Trong nhận định gần đây về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh tạo thuận lợi thương mại là điều kiện tiên quyết để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu của tạo thuận lợi thương mại là nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm chi phí, thủ tục hành chính và ách tắc thương mại.
Các chuyên gia WB đặc biệt lưu ý cho dù đã có những cải thiện về kết nối hạ tầng giao thông, nhưng Việt Nam vẫn bị tụt hậu so với nhu cầu. Các hành lang đường bộ chỉ đóng vai trò thứ yếu trong xuất khẩu ngày nay. Hạ tầng đường sắt cần được hiện đại hóa để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa.
Theo WB, giao thông và dịch vụ logistics phải nâng cao chất lượng hơn nữa để giảm tỷ trọng hàng rời và phát triển vận tải container, nhất là đối với các sản phẩm giá trị cao. Qua tăng cường năng lực kết nối với các quốc gia láng giềng, Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành trung tâm logistics trong khu vực cho xuất khẩu của các quốc gia đó.
Theo TBKD