Xuất khẩu thủy sản sang Asean có thể đạt 1 tỷ đô

Xuất khẩu thủy sản sang Asean có thể đạt 1 tỷ đô

20/09/2018 | Tác giả: Admin


Xuất khẩu thủy sản sang Asean có thể đạt 1 tỷ đô

Với đà tăng trưởng liên tục trong 10 năm trở lại đây, ASEAN đang ngày càng trở thành thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam và hoàn toàn có thể đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo VASEP, năm 2017, XK thủy sản sang ASEAN đã đạt giá trị 612 triệu USD. So với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, giá trị XK thủy sản sang ASEAN vẫn còn khiêm tốn. Nhưng với giá trị XK như trên, ASEAN đã đứng vào hàng thứ 5 trong danh sách những thị trường quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, so với 20 năm trước, giá trị XK thủy sản sang ASEAN đến năm 2017 đã tăng tới hơn 9 lần (từ 66 triệu USD năm 1998 lên 612 triệu USD năm 2017).

6 tháng đầu năm nay, ASEAN tiếp tục là 1 thị trường quan trọng hàng đầu của XK thủy sản Việt Nam. Do gặp khó khăn ở nhiều thị trường quan trọng khác, nhiều DN đã nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường thay thế, trong đó có ASEAN. Do đó, hầu hết các nhóm sản phẩm thủy sản XK sang ASEAN đều có mức tăng trưởng dương. Cụ thể: cá tra tăng 37,7%; mực, bạch tuộc tăng 28,4%; cá ngừ tăng 24,5%; chả cá và surimi tăng 18,4%; tôm tăng 6,3%; nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tăng 0,4%. Trong đó, nhờ tăng trưởng tốt, ASEAN đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường lớn nhất của chả cá và surimi Việt Nam với giá trị XK 43 triệu USD trong nửa đầu năm nay.

Về thị trường, Thái Lan là bạn hàng lớn nhất của thủy sản Việt Nam ở ASEAN. Năm 2017, giá trị XK thủy sản sang Thái Lan là 248 triệu USD. Với giá trị này, Thái Lan là nước duy nhất ở ASEAN co mặt trong Top 10 thị trường đơn lẻ lớn nhất của thủy sản Việt Nam (vị trí của Thái Lan là thứ 7, sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan và Anh). 8 tháng đầu năm nay, Thái Lan tiếp tục là thị trường quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam ở ASEAN và vẫn đứng thứ 7 trong Top 10 những thị trường đơn lẻ lớn nhất của thủy sản Việt Nam, với giá trị XK 185,519 triệu USD.

Đứng sau Thái Lan ở khu vực ASEAN, là Philippines (132 triệu USD năm 2017 và 79,407 triệu USD 8 tháng đầu năm nay) và Singapore (102 triệu USD và 75,588 triệu USD). Bên cạnh 3 thị trường nói trên, đến nay, thủy sản Việt Nam đã được XK sang tất cả các nước còn lại trong khu vực ASEAN.

Về sản phẩm, cá biển là mặt hàng XK số 1 của Việt Nam sang các nước ASEAN. Năm 2017, XK cá biển (chủ yếu là cá biển tươi/đông lạnh) sang ASEAN đạt 289 triệu USD. Tiếp đó là cá tra với giá trị XK năm 2017 là 143 triệu USD; mực, bạch tuộc 71 triệu USD…

Đặc biệt, XK cá tra sang AESAN đang có xu hướng tăng trưởng liên tục từ năm 2002 đến nay nhờ nhu cầu sử dụng thủy sản nuôi ngày càng tăng của người tiêu dùng. Mấy năm nay, khi cá tra Việt Nam gặp khó khăn lớn ở các thị trường truyền thống là Mỹ và EU, ASEAN đã nổi lên như là một trong những thị trường thay thế quan trọng nhất.

Theo VASEP, tiềm năng đẩy mạnh XK thủy sản sang ASEAN vẫn còn rất lớn. Thủy sản vốn là nguồn thực phẩm quan trọng với người dân khu vực ASEAN từ bao đời nay. Với tổng dân số hiện khoảng 632 triệu người, nhu cầu thủy sản ở ASEAN là không nhỏ và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nếu như vào năm 2015, nhu cầu thủy sản ở ASEAN là 24,5 triệu tấn, thì đến 2030 dự kiến sẽ là 36,9 triệu tấn và 41,7 triệu tấn vào 2050. Tiêu thụ thủy sản theo đầu người dự kiến sẽ tăng từ 38,4kg/người/năm lên 51,5 kg/người/năm vào năm 2030 và 61,5 kg/người/năm vào năm 2050. Thương mại thủy sản ở khu vực ASEAN đã đạt 20 tỷ USD/năm và dự báo sẽ tăng khoảng 3,7%/năm trong những năm tới.

Với nhu cầu lớn như trên, cùng với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, các DN thủy sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để gia tăng XK sang các nước trong khu vực, nếu tăng cường được khả năng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và các sản phẩm giá trị gia tăng. Qua đó, XK thủy sản sang ASEAN có thể đạt mốc 1 tỷ USD trong thời gian không xa.

Theo NNVN


Tags

Chia sẻ trên