Nông sản có còn phải giải cứu?
28/01/2019 | Tác giả: Lê Thúy
Nhiều năm qua, nhiều mặt hàng nông sản luôn rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, có những thời điểm người tiêu dùng phải dùng lòng thương để giải cứu. Liệu rằng trong năm nay, kịch bản này có tiếp diễn hay không là câu hỏi chưa thể trả lời nhưng buộc phải có phương án giải quyết.
Có lẽ vì vậy, ngay đầu năm, Bộ NN&PTNT đang lên kế hoạch tổ chức một diễn đàn với tên gọi thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019. Tuy nhiên, muốn chấm dứt tình trạng trên, câu chuyện có lẽ không đơn giản chỉ là tổ chức một diễn đàn.
Thiếu thông tin thị trường
Chưa thể trả lời câu hỏi có phải giải cứu nông sản trong năm nay hay không
Trên thực tế hiện nay, nông sản Việt Nam đa phần vẫn xuất khẩu (XK) tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc. Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường năm 2018 có nhiều thuận lợi nên sản lượng nhiều loại trái cây như vải, nhãn, cam, xoài, chôm chôm… đều tăng cao so với các năm trước nhưng đầu ra vẫn phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc, nghĩa là rất bấp bênh.
Đặc biệt, Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết 60% người dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu, do đó nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm cũng tăng theo.
Trong khi đó xưa nay, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn quen với việc sản xuất ra rồi mới chào hàng, nói cách khác là bán những những gì chúng ta có thay vì bán những gì thị trường cần.
Ở thị trường trong nước, việc đưa nông sản vào siêu thị rất khó khăn. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), cho rằng thị trường nông sản hiện nay còn gặp phải trường hợp được mùa mất giá, thường xuyên phải tiến hành giải cứu. Đã giải cứu có nghĩa là chúng ta thất bại vì nhiều mặt hàng nông sản chưa thể vào siêu thị.
Trước đó, thống kê của AVR cho thấy hiện nay, 85% nông thủy sản được bán lẻ thông qua kênh truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường); chỉ có 15% sản phẩm bán qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi).
Một trong những nguyên nhân là do sản phẩm chưa đạt các quy định về an toàn thực phẩm mà kênh phân phối hiện đại đặt ra, đồng thời kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo.
Trước những bất ổn kinh tế – chính trị trên toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng quay trở lại, Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, dự báo giá nông sản trong năm 2019 rất khó tăng cao, nếu có tăng cũng chỉ bằng mức tăng chi phí sản xuất. Đây là thách thức cực lớn với nông sản Việt Nam, vì vậy việc giải quyết bài toán thị trường rất quan trọng.
Tuy nhiên, để có thông tin thị trường lại không hề dễ dàng. Phần lớn nông dân cho biết không có nhiều thông tin về số lượng, nguồn cung mà các nhà phân phối, bán lẻ đang cần. Ngay cả với doanh nghiệp (DN), có được thông tin thị trường cũng rất khó khăn.
Bà Trần Kim Liên, Tổng Giám đốc công ty Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed), cho biết vừa qua có đi dự hội nghị xúc tiến thương mại ở Đài Loan và nhận thấy các DN Đài Loan được cơ quan chức năng thông tin rất rõ về tình hình định hướng thị trường nông sản trên thế giới như có số liệu độ rộng thị trường, quốc gia nào đang có nhu cầu, hành lang pháp lý để XK thế nào…, từ đó các DN có bước nhìn tổng thể hơn về thị trường.
"Chúng tôi mong có thêm thông tin dự đoán, dự báo nhu cầu thế giới. DN nhìn vào đó bắt đầu có hoạch định về thị trường", bà Liên chia sẻ.
Phải lấy cầu làm gốc
Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, cho rằng thị trường chỉ lành mạnh khi cân đối với cung cấp. Sở dĩ phải giải cứu sản phẩm nông nghiệp vì cung – cầu không cân đối. Việt Nam đi từ giai đoạn thiếu cung khủng khiếp, đói kém, sang giai đoạn thừa cung khủng khiếp. Được mùa mất giá xảy ra là do tình trạng đứt gẫy giữa cung và cầu. Cung là nguồn sản xuất trong nước, cầu cả trong nước và ngoài nước.
Vì vậy, ông Sơn khẳng định khâu quan trọng nhất là thông tin, phải lấy cầu làm gốc, người dùng cần mặt hàng và chất lượng thế nào thì người sản xuất làm mức độ đó.
"Người sản xuất Việt Nam giống như như người lái xe nhưng "mù đường". Hiện nay, chúng ta đánh trận toàn dân trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nông dân ra trận như người lính trinh sát không có bản đồ, con tàu đi trên đại dương không có la bàn", ông Sơn nói.
Khi xuống ruộng, mọi người đều nói nuôi con nọ, trồng cây kia để tăng trưởng GDP chứ không nói tới bán hàng, chú ý tới XK về số lượng chứ không lo tới giá bán, vì vậy dẫn tới việc thừa cung và tình trạng được mùa mất giá thường xuyên xảy ra.
Ông Sơn cho rằng Nhà nước cần phải xây dựng dịch vụ công cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân, cho DN. Có như vậy mới chấm dứt tình cảnh thương lái Trung Quốc bảo trồng cây gì, người nông dân trồng cây đó, thậm chí bảo chặt rễ cây thì nông dân cũng chặt.
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, thông qua việc phát triển kinh tế hợp tác, trang trại kết nối với DN, Ts.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhìn nhận nông nghiệp Việt Nam đang thiếu hạ tầng, ví dụ kho thu gom ở vùng nguyên liệu, các chợ đầu mối hiện đại để kết nối kho thu gom nguyên liệu, qua đó đưa sản phẩm ra các đô thị.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai các đề án về hệ thống logistics hiện đại, kết nối đồng bộ chuỗi giá trị nhưng việc này cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Đồng thời, liên quan tới câu chuyện mở cửa thị trường, ông Tuấn cho rằng phải làm sao tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP hay các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU.
Muốn vậy, trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, Nhà nước phải tiếp tục giải quyết vướng mắc, đàm phán với đối tác, thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn để mở cửa thị trường chính thức cho các DN XK nông sản. Điều đó sẽ tạo ra cú hích lớn trong giải quyết bài toán được mùa mất giá.
Đối với DN, trong năm 2019 nên lưu ý công tác thị trường thông qua việc thường xuyên tiếp xúc trao đổi thông tin với đối tác nước ngoài. Các DN nên xem xét tham gia mạnh mẽ trong hiệp hội để thúc đẩy XK, bảo vệ thị trường trong nước. Đặc biệt, DN tham gia ngay hiệp hội ngành hàng của nước ngoài, qua đó có thể biết thông tin và có tiếng nói khi gặp rào cản kỹ thuật không hợp lý.
Theo TBKD