Đằng sau 'cơn sóng' trái cây nhập

Đằng sau 'cơn sóng' trái cây nhập

27/01/2019 | Tác giả: Thế Vinh


Các nhà sản xuất, xuất khẩu trái cây Việt Nam sẽ còn phải học hỏi dài dài khi những loại trái cây nhập khẩu có thương hiệu với mức giá cao chót vót đang tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước.

Đằng sau 'cơn sóng' trái cây nhập

Ông Jean-Baptiste Pinel, Giám đốc điều hành CTCP Primland (công ty con của Tập đoàn Scaap Kiwifruits de France, nhà sản xuất trái kiwi hàng đầu của Pháp), cho biết nếu như hồi năm 2017, trái kiwi của công ty này xuất khẩu (XK) từ Pháp sang Việt Nam chỉ khoảng 60 tấn, đến năm 2018 đã tăng lên 200 tấn.

"Bậc thầy" thương hiệu

Trái cây Việt cần học hỏi từ giá trị cao chót vót của một số trái cây ngoại

Đà nhập khẩu (NK) trái kiwi nói riêng đã gia tăng theo đà NK trái cây ngoại nói chung của Việt Nam trong thời gian qua. Tính đến tháng 11/2018, Việt Nam đã chi hơn 1,6 tỷ USD để nhập trái cây, vượt cả năm 2017 (1,5 tỷ USD).

Đáng chú ý, không chỉ trái cây nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, mà lượng trái cây nhập từ Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Brazil… cũng gia tăng đáng kể.

Ông Jean-Baptiste cho rằng Việt Nam là thị trường lớn, có nhiều tiềm năng, người tiêu dùng thích vị ngọt, đang hướng đến các sản phẩm trái cây an toàn, chất lượng, nên trái cây nhập từ Pháp hoàn toàn có thể đáp ứng tốt.

Những chia sẻ của ông Jean-Baptiste tại buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 22/1 nhằm giới thiệu về dòng sản phẩm trái kiwi nhập đang bán chạy tại thị trường Việt Nam rất đáng để những nhà sản xuất và XK trái cây Việt học hỏi.

Ông Jean-Baptiste đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thương hiệu và chất lượng, nhất là quy trình sản xuất nghiêm ngặt và tiêu chuẩn thông số kỹ thuật (tỉa, cắt, thu hoạch) được áp dụng khi giao trái cây.

Theo đó, các trạm trái cây (với nguồn cung cấp chủ yếu từ các HTX ở Pháp) được tổ chức và tối ưu hóa theo một quy trình tiêu chuẩn. Chẳng hạn như khi lưu trữ thì phòng lạnh được trang bị 90% với hệ thống nước glycated nhằm giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng và chất làm lạnh.

Với trái cây chín, từng lô trái cây được theo dõi riêng để tối ưu hóa mức độ trưởng thành và chất lượng. Trái cây được chọn lọc, kiểm tra và phân loại bằng tay trước khi đóng gói và vận chuyển bằng thuyền hoặc xe tải tùy thuộc vào địa điểm nhận hàng.

Chia sẻ về kinh nghiệm ở các kênh tiếp thị và thị trường tiêu thụ cho trái kiwi, ông Jean- Baptiste cho biết các kênh tiếp thị tại Pháp bao gồm các nhà bán buôn chiếm 20% sản lượng tiêu thụ, trong khi siêu thị chiếm đến 80%.

"Hơn 50% doanh thu của chúng tôi là từ XK, mô hình bán hàng phụ thuộc vào từng quốc gia khác nhau. Bao gồm quan hệ trực tiếp với các siêu thị (trong trường hợp của Bỉ), hoặc với nhà bán buôn NK (ví dụ như Trung Quốc), hoặc kết hợp cả hai (Tây Ban Nha, Đài Loan), hoặc thông qua các nhà quản lý danh mục (công ty được các nhà phân phối ủy quyền quản lý hàng NK của mình, như Vương quốc Anh hoặc Australia)", ông Jean- Baptiste thông tin.

Bài học cho trái cây Việt

Dưới góc độ một doanh nghiệp (DN) chuyên NK trái cây ngoại để phân phối tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Hải, Giám đốc công ty Klever Fruit, cho biết đến nay, công ty có 36 cửa hàng bán trái cây ngoại ở Hà Nội và 8 cửa hàng ở Tp.HCM.

"Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng trung lưu nên công ty đã bỏ công sức ra nước ngoài tìm kiếm những loại trái cây thượng hạng, có thương hiệu để NK phục vụ cho nhu cầu này", ông Hải nói.

Để đảm bảo chất lượng cho độ tươi của những loại trái cây NK dành cho giới trung lưu, các DN NK hiện nay chủ yếu lựa chọn hàng về Việt Nam theo đường hàng không, được bảo quản lạnh trong khi vận chuyển với thời gian nhanh.

Điều đáng chú ý là giá của nhiều loại trái cây nhập khá đắt so với trái cây Việt nhưng vẫn hút hàng. Đơn cử như giá của một quả vú sữa Hoàng Kim nhập từ Đài Loan có màu sắc lạ gấp 10 lần vú sữa Việt Nam ở thời điểm đắt nhất vụ. Một trái tầm 500gr có giá 850.000 đồng, còn trái nhỏ 300- 400gr có giá khoảng 750.000 đồng.

Hoặc như nho mẫu đơn của Nhật có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg, táo Sekachi: 200.000 – 300.000 đồng/quả; dâu tây: 3,5 triệu đồng/kg (dâu bạch tuyết); dưa hấu đỏ: 430.000 đồng/ kg; xoài đỏ: gần 1,7 triệu đồng/quả (mỗi quả 0,35-0,4kg).

Giá của một số loại trái cây này cao hơn rất nhiều so với trái cây cùng loại của Việt Nam. Vấn đề ở đây là người tiêu dùng Việt trung lưu vẫn chấp nhận mức giá cao như vậy vì những loại trái cây ngoại có thương hiệu đáp ứng những nhu cầu của họ là vừa ngon, vừa lạ vừa sạch.

Qua đó cũng cho thấy trái cây Việt sẽ còn "học" dài dài từ giá trị cao chót vót của một số loại trái cây ngoại nhập. Giới chuyên gia cho rằng đó là những loại trái cây nổi tiếng trên thế giới bởi chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc, được đảm bảo bằng các tiêu chuẩn quốc tế.

Thực tế có những loại trái cây nhập với mức giá cao đã tự thể hiện được sự nổi bật của mình trên kệ hàng trong hệ thống siêu thị tại Việt Nam, có thể ví như tạo ra một bản sắc mới, diện mạo mới cho cả cửa hàng trái cây. Ngay cả logo và bao bì đóng gói của họ cũng đã cho thấy sự vượt trội so với trái cây Việt.

Theo TBKD


Tags

Chia sẻ trên

28/01/2019 | Đăng bởi: Lê Thúy

Nông sản có còn phải giải cứu?

Nhiều năm qua, nhiều mặt hàng nông sản luôn rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, có những thời điểm người tiêu dùng phải dùng lòng thương để giải cứu. Liệu rằng trong năm nay, kịch bản này có tiếp diễn hay không là câu hỏi chưa thể trả lời nhưng buộc phải có phương án giải quyết.

27/01/2019 | Đăng bởi: Nhóm PV

Tiếp sức sáng tạo cho ngành nông nghiệp: Hiện trạng manh mún

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng lợi ích cho các bên tham gia làm nông nghiệp là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu thế thế giới.

26/01/2019 | Đăng bởi: Nguyễn Doanh Chính

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sụt giảm 7,8% năm 2018

Điều đáng nói là trong năm 2018, xuất khẩu tôm chỉ tăng trưởng trong tháng 1 và tháng 3, còn lại các tháng khác đều giảm. Xuất khẩu tôm sang 4 thị trường chính cũng giảm do nhu cầu thế giới.