Nhật Bản bỏ lệnh cấm thịt bò Anh sau 23 năm

Nhật Bản bỏ lệnh cấm thịt bò Anh sau 23 năm

11/01/2019 | Tác giả: Hải Châu


Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh sau gần 1/4 thế kỷ, trước khi Thủ tướng Shinzo Abe chuẩn bị có chuyến thăm Vương quốc Anh. Lệnh cấm nhập thịt bò Anh được đưa ra vào năm 1996, sau khi bùng phát dịch nhũn não bò (BSE) ở Anh, hay còn gọi là căn bệnh “bò điên”.

Nhật Bản bỏ lệnh cấm thịt bò Anh sau 23 năm

Thông báo của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết sau quá trình thảo luận với chính phủ Anh và tổ chức các đợt kiểm tra kỹ lưỡng, việc nhập khẩu thịt và nội tạng bò của Anh sẽ được khởi động lại.

Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn áp dụng với những con bò trên 30 tháng tuổi và với một số bộ phận như tủy sống vì bị coi là có nguy cơ truyền nhiễm BSE cao. Ngoài ra, Nhật Bản cũng dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt cừu Anh.

Mòn mỏi thuyết phục đối tác

Việc nhập khẩu thịt bò của Anh vào Nhật sẽ được khởi động lại

Chính phủ Anh ước tính tổng xuất khẩu thịt bò và thịt cừu của Anh sang Nhật Bản sẽ đạt 127 triệu bảng trong 5 năm tới.

Ăn thịt động vật bị nhiễm BSE có nguy cơ cao nhiễm bệnh Creutzfeldt Jakob - một căn bệnh phá hủy mô não người mà hiện nay chưa có thuốc chữa.

Năm 1986, Anh là nước đầu tiên phát hiện bệnh bò điên gây tử vong cho nhiều người và khiến hoạt động xuất khẩu thịt bò bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khoảng 190.000 con bò bị phát hiện mắc bệnh BSE trên toàn thế giới, có 180.000 con được nuôi ở Anh.

Nước Anh đã mất vài chục năm để chứng minh thịt bò của mình an toàn và lệnh cấm của các nước đối tác là không hợp lý về mặt khoa học. Cuối cùng, đến năm 2006, EU cũng đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thịt bò của Anh sau 10 năm, trong khi Trung Quốc có quyết định tương tự vào tháng 6 năm ngoái.

Tháng 11/2018, một nhóm chuyên gia về an toàn thực phẩm cũng khuyến nghị Nhật Bản dỡ bỏ giới hạn độ tuổi đối với những con bò cho thịt nhập khẩu từ Mỹ. Nhật Bản đã cấm nhập khẩu thịt từ những con bò Mỹ trên 30 tháng tuổi do lo ngại nhóm động vật già có nguy cơ mắc BSE cao hơn.

Nhóm chuyên gia còn cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ thức ăn gia súc đã giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh và chỉ phát hiện một vài trường hợp trong những năm qua.

Cho đến nay, Nhật Bản đã nối lại hoạt động nhập khẩu thịt bò từ 14 quốc gia sau khi ban hành lệnh cấm vì bệnh bò điên.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với Anh là hành trang cho chuyến thăm của ông Abe tới Anh trong bối cảnh Anh sắp rời khỏi EU. Ở một khía cạnh nào đó cũng “đồng cảnh ngộ”, thực phẩm xuất khẩu của Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với EU, sau thảm họa hạt nhân năm 2011 ở Fukushima.

Hàng hóa Nhật bị hạn chế nhập khẩu

Nhật Bản khẳng định thực phẩm từ Fukushima và các tỉnh lân cận là an toàn cho sức khỏe con người. Nhưng cũng phải mất 7 năm EU mới gỡ bỏ quy định chứng nhận kiểm tra đối với một số loại thực phẩm xuất xứ Nhật Bản, trong đó có mặt hàng gạo từ tỉnh Fukushima.

Bất chấp lệnh cấm đối với thịt bò của mình, Anh vẫn ra tay giúp đỡ Nhật Bản trong công tác vận động hành lang, điển hình là việc Ngoại trưởng Anh Boris Johnson từng uống một lon nước ép đào từ Fukushima ngay trước ống kính máy quay truyền hình vào năm 2017.

EU và Nhật Bản vừa kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế trong tháng 12/2018. Theo đó, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế đối với thịt bò châu Âu từ 38,5% xuống còn 9% trong thời gian 15 năm, tạo cơ hội xuất khẩu lớn cho nông dân Anh nếu vẫn đáp ứng đủ các nghĩa vụ hiệp định, kể cả khi Brexit hoàn tất.

Trên thực tế, Nhật Bản cũng đã cắt giảm thuế đối với thịt bò từ Australia, Canada và New Zealand theo cam kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và có khả năng sẽ đưa ra những nhượng bộ tương tự với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại sẽ bắt đầu trong vài tháng tới.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá và một số tổ chức khác của Nhật Bản, trong năm tài khóa 2016, Nhật Bản đã nhập khẩu 526.000 tấn thịt bò, trong đó 52% là từ Australia, tiếp theo là Mỹ với 39%.

Năm 1995, một năm trước khi Tokyo áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của Anh, Nhật Bản nhập khoảng 160 tấn dạ dày và 16 tấn lưỡi từ bò nuôi ở Bắc Ai-len.

Theo TBKD


Tags

Chia sẻ trên

11/01/2019 | Đăng bởi: Mai Phương

Hành trình ra thế giới của sữa Việt

Hôm qua 10.1, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood cùng Tập đoàn Asahi của Nhật công bố thành lập liên doanh hợp tác giữa hai bên; tiếp tục cuộc hành trình vươn ra thế giới của một thương hiệu Việt.

11/01/2019 | Đăng bởi: Vũ Trang

Hải Phòng: Bắt tại trận bơm tạp chất vào 60 kg tôm

Khoảng 60 kg tôm chết được thương lái bơm tạp chất, vụ việc bị cơ quan cảnh sát môi trường Hải Phòng cùng các cơ quan chức năng phát hiện vào đêm 9/1/2019 tại phường Nam Hải, Hải An, Hải Phòng.

10/01/2019 | Đăng bởi: Thanh Hải

Ngành chăn nuôi gian nan hơn với CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ năm 2019. Ngành chăn nuôi được dự báo là một trong các ngành hàng dễ bị “tổn thương” trong bối cảnh mới. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, về những khó khăn mà ngành chăn nuôi phải vượt qua để nắm bắt cơ hội từ CPTPP.