Ngành chăn nuôi gian nan hơn với CPTPP
10/01/2019 | Tác giả: Thanh Hải
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ năm 2019. Ngành chăn nuôi được dự báo là một trong các ngành hàng dễ bị “tổn thương” trong bối cảnh mới. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, về những khó khăn mà ngành chăn nuôi phải vượt qua để nắm bắt cơ hội từ CPTPP.
PHÓNG VIÊN: Ông nhận định như thế nào về Hiệp định CPTPP đối với ngành chăn nuôi Việt Nam, thưa ông?
Ông NGUYỄN THANH SƠN: CPTPP là hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Ngoài cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật, hiệp định còn ưu tiên những vấn đề mới như lao động, môi trường, mua sắm… Hơn nữa, hiệp định đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp (DN) và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, với CPTPP, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều thách thức, còn cơ hội rất ít.
Theo ông, ngành chăn nuôi có những cơ hội nào?
Thứ nhất, CPTPP sẽ tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi Việt Nam dễ dàng tiếp cận các công nghệ chăn nuôi hiện đại, từ con giống, thức ăn, trang thiết bị đến kinh nghiệm quản lý và quản trị DN của các nước tham gia hiệp định. Hơn nữa, thị trường nông nghiệp Việt Nam khá hấp dẫn, sẽ thu hút nhiều DN nước ngoài đầu tư công nghệ cao về lĩnh vực con giống, thức ăn, thiết bị chuồng trại, chế biến giết mổ. Hoạt động mua cổ phần, mua bán sáp nhập sẽ sôi động và có cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt, trứng, sữa. Nhờ vậy, Việt Nam sẽ hạn chế được sự phụ thuộc vào một khu vực, có thể tham gia chuỗi giá trị trong nội khối và toàn cầu về sản xuất con giống, sữa và thiết bị chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi phải đối mặt những khó khăn gì?
Có nhiều thách thức, như do chăn nuôi theo quy mô nhỏ, năng suất chưa cao, con giống và thức ăn phải nhập khẩu, nên sản phẩm ngành chăn nuôi nước ta có sức cạnh tranh thấp. Đơn cử, thời điểm hiện nay giá heo hơi trong nước bình quân 48.000 đồng/kg, trong khi ở Canada là khoảng 25.000 đồng/kg, Mexico là 35.000 đồng/kg, đặc biệt ở Mỹ chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Năng suất lao động quá thấp, trang trại quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ có 1 - 2 lao động, nhưng Việt Nam thì trên 20 lao động.
Bên cạnh đó, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường là những thách thức không nhỏ. Số lượng nhà máy giết mổ hiện đại hoạt động cầm chừng do chi phí giết mổ cao, không cạnh tranh nổi với lò mổ thủ công. Công nghệ chế biến bảo quản thịt sau giết mổ còn yếu. Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ một số nước như Australia, Canada, Mexico, Malaysia sẽ vào Việt Nam nhiều hơn khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% theo lộ trình của hiệp định. Người tiêu dùng hưởng lợi nhờ sử dụng thực phẩm “sạch” mà giá rẻ; nhưng hậu quả là nhiều DN và hộ nông dân chăn nuôi Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, New Zealand… có hàng rào kỹ thuật tương đối cao. Trong bối cảnh đó, ngành chăn nuôi nước ta cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này bằng 0% thì sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cũng không thể tiếp cận, mở rộng thị trường.
Các sản phẩm được chế biển từ gia súc chăn nuôi của Công ty Vissan.
Theo ông, chúng ta cần phải làm như thế nào trước nhiều thách thức?
Chúng ta cần rà soát tổng thể quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với chế biến. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu giống, vật tư chăn nuôi, bãi bỏ quy định danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh; thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các DN trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý ngành theo kiểu hành chính, tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện nay; rà soát, điều chỉnh các chính sách về đất đai, về đầu tư, về phát triển trang trại, chính sách thuế…
Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ - là giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư nghiên cứu, ứng dụng giống vật nuôi có năng suất và chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất - là yếu tố quyết định để có sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng. Việt Nam phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới ngày càng nhiều hơn.
Theo ông, về phía DN cần phải làm gì?
Với việc tham gia hiệp định, các DN chăn nuôi và người nông dân Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn ngay trên chính “sân nhà”. Vì vậy, các DN và người chăn nuôi, phải biết kết nối để tận dụng lợi thế và cần hiểu không chỉ luật chơi quốc tế mà còn phải hiểu về các thay đổi chính sách tương ứng, nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực, quản trị kinh doanh và cả năng lực pháp lý để tự bảo vệ mình. Hiệp định sẽ mang lại cơ hội cho DN chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
Các DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác trong khối để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn chăn nuôi lớn trong và ngoài khối CPTPP. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN chăn nuôi Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng thực phẩm khu vực nội khối và toàn cầu, gắn chặt với các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và chất lượng quốc tế.
Cảm ơn ông!
Theo SGGP