Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi

30/08/2021 | Tác giả: Hải Yến


Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện và đề xuất đầu tư nhiều dự án thủy lợi, giúp kiểm soát triều cường, ngập úng, phòng, chống thiên tai, điều tiết lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc hoàn thành hệ thống này góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi
Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi (giai đoạn 1) góp phần tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều công trình phát huy hiệu quả

Tại tuyến thủy lợi kênh Đông Củ Chi (huyện Củ Chi), trục kênh chính và các kênh cấp 1 mới được nâng cấp, hoàn thiện giai đoạn 1, bảo đảm năng lực cấp nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp; bờ kênh được cứng hóa, đường giao thông nông thôn bê tông hóa. “Trước đây, những cánh đồng nhà tôi thường xuyên thiếu nước, nhất là mùa khô, nhưng nay khi tuyến kênh thủy lợi này được nâng cấp, ruộng nhà tôi luôn được cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất”, ông Trần Văn Hòa (ngụ xã Trung Lập Thượng) vui mừng nói.

Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi do Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi (Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư. Sau hơn 2 năm thực hiện (giai đoạn 1), đưa vào sử dụng, đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong đó, việc đầu tư hệ thống kiểm soát nước tưới tự động tại 24 vị trí kênh cấp 1, kênh nội đồng, lắp đặt hệ thống 4 máy vớt rác tự động đã kiểm soát tốt chất lượng nguồn nước.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT thành phố, nhờ công trình thủy lợi này, thành phố chủ động được nguồn nước phục vụ tưới cho 11.500ha, tiêu thoát nước 17.000ha; nuôi trồng thủy sản và cấp nước thô phục vụ sinh hoạt với công suất 450.000m3/ ngày đêm, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn ngoại thành. Cùng với đó, dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, từ sông Vàm Thuật đến cầu Bến Súc có tổng chiều dài 64km, chia làm 8 dự án. Đến nay có 4 dự án hoàn thành với hơn 41km, 4 dự án còn lại đang triển khai.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Nguyễn Xuân Hoàng đánh giá, sau khi các dự án trên hoàn chỉnh sẽ hình thành tuyến đê bao kiên cố, bảo đảm ngăn triều, chống ngập cho khoảng 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư, góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng ngoại thành như huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12. Tuy nhiên, nhìn chung, việc đầu tư hệ thống công trình thủy lợi chưa đồng bộ, khép kín, chủ yếu tập trung xây dựng công trình đầu mối nên chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy hoạch xây dựng các dự án thủy lợi cần kết hợp song song với các công trình chống ngập, đồng bộ hệ thống mương, cống tiêu thoát nước; xây dựng đê bao, giao thông nội đồng; ứng dụng khoa học công nghệ trong việc vận hành và kiểm soát nguồn nước, nhằm giảm thiểu thiệt hại, tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đinh Minh Hiệp cho biết, đến nay, thành phố đã hoàn thành 45 công trình và đang triển khai các thủ tục đầu tư 147 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại 5 huyện gồm: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ kiên cố hóa, cứng hóa bờ kênh, mặt đê, hiện đại hóa quản lý vận hành hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh; xây dựng hồ điều hòa Bến Mương - Láng The...

Để đồng bộ, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án thủy lợi tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12, tổng kinh phí dự kiến hơn 4.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thực hiện giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, nhóm ưu tiên 1 có 7 dự án thủy lợi với số vốn hơn 2.600 tỷ đồng; nhóm ưu tiên 2 có 5 dự án gần 1.900 tỷ đồng.

Trong đó, dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi (giai đoạn 2), nhằm hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông kết nối khu vực nội đồng. Dự án xây dựng 4 cống thuộc hệ thống thủy lợi Cây Xanh - Bà Bếp, rạch Dứa, nhằm tăng khả năng điều tiết nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.600ha tại huyện Củ Chi. Dự án xây dựng cống kiểm soát triều Rạch Tra (huyện Hóc Môn, Củ Chi), xây dựng và kè bảo vệ bờ thượng hạ lưu, làm tăng khả năng tiêu thoát nước mùa mưa; tham gia trữ lũ và chậm lũ sông Sài Gòn mùa khô, bảo đảm giao thông thủy...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các dự án thủy lợi đang triển khai có thể bị gián đoạn, nhưng thành phố sẽ ưu tiên và quyết tâm thực hiện các dự án thủy lợi quan trọng từ nay đến 2025, góp phần chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/


Chia sẻ trên

28/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Để đoàn tàu không lỡ nhịp!

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

30/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp: Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân

Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm trong các tháng cuối năm, nông dân vừa thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung sản xuất nông nghiệp. Để bảo đảm chất lượng vật tư cho sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng lưu thông, đồng thời tuyên truyền tới các hộ dân chỉ mua vật tư ở những cơ sở có uy tín để tránh thiệt hại.

28/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Xây dựng các giải pháp chiến lược để phát triển bền vững

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, Tuyên Hóa vẫn còn nhiều khó khăn trên hành trình thoát nghèo. Để phát triển một cách bền vững, địa phương cần xây dựng các giải pháp chiến lược dài hạn.