Xây dựng các giải pháp chiến lược để phát triển bền vững
28/08/2021 | Tác giả: Hải Yến
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, Tuyên Hóa vẫn còn nhiều khó khăn trên hành trình thoát nghèo. Để phát triển một cách bền vững, địa phương cần xây dựng các giải pháp chiến lược dài hạn.
Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tuyên Hóa chỉ gần 6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 31% (năm 2009), thì đến năm 2020, nghĩa là sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 38 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn gần 7%. Điều đó thể hiện sự đổi thay đáng kể của huyện miền núi này trong thời gian qua.
Để có những kết quả đó, bên cạnh sự chung sức chung lòng của người dân và chính quyền địa phương, còn nhờ vào các nguồn lực đầu tư của nhà nước, đặc biệt từ khi có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM). Tuy nhiên, Tuyên Hóa vẫn là huyện nghèo so với các địa phương trong tỉnh trong khi lại có sẵn lợi thế về diện tích đất tự nhiên để phát triển, đặc biệt là các ngành nghề nông-lâm nghiệp.
Nguyên nhân chính là vì địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối. Bởi vậy, câu chuyện tìm “lời giải” phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân của huyện Tuyên Hóa cứ mãi loay hoay với những khó khăn “đi ra trở núi, quay về mắc sông”.
Ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: “Việc tìm "lời giải" thoát nghèo cho người dân được lãnh đạo địa phương đặt ra khá sớm và rất trăn trở. Tuy nhiên, không phải lời giải nào cũng phù hợp”. Địa hình bị chia cắt, cùng với đó là giao thông, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, diện tích đất sản xuất ít chính là rào cản bất lợi cho Tuyên Hóa. Điều đó dẫn đến khả năng thu hút đầu tư hạn chế, đặc biệt là thiếu những dự án đầu tư mang tính động lực cho phát triển.
Từ khi nhận được các nguồn lực đầu tư của chương trình MTQGXDNTM, cùng với việc sử dụng hợp lý các nguồn lực khác và việc huy động “sức dân”, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện mới dần được hoàn thiện. “Cú hích” lớn đó cũng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống người dân.
Đến nay, Tuyên Hóa đã có 8/18 xã đạt chuẩn NTM (đến cuối năm 2021 sẽ có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM). Toàn huyện có 292 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân đạt 16,22 tiêu chí/xã.
Vậy nhưng phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Tuyên Hóa gần đây đang có dấu hiệu chững lại. Trong đó, nhiều địa phương còn “vướng”, nhất là đối với các tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Đây là 2 tiêu chí khiến cho không chỉ lãnh đạo các xã chưa đạt chuẩn NTM trĩu nặng nỗi lo, mà ngay các xã đã “cán đích” NTM cũng rất trăn trở.
Chủ tịch UBND xã Hương Hóa Nguyễn Văn Linh cho biết, Hương Hóa là một trong số ít xã đạt chuẩn NTM của huyện Tuyên Hóa từ năm 2019
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trên địa bàn còn chưa thực sự vững chắc. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, giá trị sản phẩm chưa cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nội đồng chưa được hoàn thiện. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và ngành nghề nông thôn phát triển chậm, còn mang tính tự phát.
Còn Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Nguyễn Xuân Các thì cho hay, mặt dù Thuận Hóa đã đạt chuẩn NTM đầu năm 2021 vừa qua, song một số mô hình phát triển kinh tế thiếu tính bền vững, hiệu quả chưa cao, kết quả chương trình MTQGXDNTM chưa toàn diện, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa Bùi Thanh Chuyên cho biết, chính quyền các địa phương và lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đã nhận diện được những khó khăn nói trên và đưa ra nhiều giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trong tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Tuyên Hóa sẽ phát triển theo chiều sâu các sản phẩm đặc trưng có lợi thế, gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đó là từng bước phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng quy trình tiên tiến, công nghệ cao và đây được xem là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngành trồng trọt phù hợp với điều kiện đất đai, địa hình và biến đổi khí hậu sang trồng rừng gỗ lớn, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: Cây lấy gỗ, cây bản địa, cây dược liệu...; xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ; có cơ chế thu hút xây dựng các nhà máy chế biến.
Cùng với phát triển nông nghiệp, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, dịch vụ (sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, thức ăn gia súc), trong đó khai thác có hiệu quả cụm điểm tiểu thủ công nghiệp Lưu Thuận (TT. Đồng Lê) và xã Tiến Hóa sẽ được chú trọng, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng sẽ được đẩy mạnh.
Song, nếu thiếu sự quyết liệt mạnh mẽ từ chính quyền các địa phương và thiếu sự giúp sức từ chính quyền cấp tỉnh, Tuyên Hóa sẽ khó phát triển bứt phá và bền vững. Bởi, với khu vực, địa bàn đặc biệt và đặc thù như Tuyên Hóa rất cần những cơ chế, chủ trương đặc biệt.
Về vấn đề này, tại cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Tuyên Hóa vào đầu tháng 7 vừa qua, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh đã gợi ý, huyện Tuyên Hóa cần xây dựng các giải pháp chiến lược dài hạn để phát triển kinh tế-xã hội. Tuyên Hóa cũng phải chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các mô hình, định hướng phát triển phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo sự đột phá; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về chủ trương, chính sách báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tuyên Hóa lựa chọn phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, phát huy lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương làm bước đột phá trong phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/