Nâng cấp tuyến kênh

Nâng cấp tuyến kênh Cổ Đô - Vạn Thắng

22/07/2021 | Tác giả: Hải Yến


Sau hơn 60 năm đầu tư và đưa vào sử dụng, tuyến kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng (huyện Ba Vì) xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn. Đáp ứng nguyện vọng của người dân, UBND thành phố Hà Nội vừa cho phép huyện Ba Vì lập chủ trương thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh này.

Nâng cấp tuyến kênh Cổ Đô - Vạn Thắng
Tuyến kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng đang bị hư hỏng nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đi lại của người dân huyện Ba Vì.

Công trình xuống cấp nghiêm trọng

Kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng là trục tiêu chính của huyện Ba Vì. Kênh được xây dựng từ năm 1960, dài 18,3km, có điểm đầu thuộc địa bàn các xã: Phong Vân, Phú Đông và điểm cuối nằm trên địa bàn xã Vật Lại. Trên hệ thống kênh có 8 trạm bơm, kênh và các công trình trên kênh. Hệ thống kênh này có nhiệm vụ tưới và tiêu nước cho 6.450ha đất nông nghiệp và dân sinh của 15 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Vì. Ngoài nhiệm vụ chống úng ngập, hai bờ kênh Cổ Đô - Vạn Thắng còn là tuyến giao thông quan trọng của các xã: Thái Hòa, Vạn Thắng, Đồng Thái, Vật Lại và thị trấn Tây Đằng…

Tuy nhiên, do kết cấu bằng đất nên sau hơn 60 năm đưa vào sử dụng, tuyến kênh Cổ Đô - Vạn Thắng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Quan sát thực tế, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhiều vị trí mái trong của kênh bị sạt lở, đáy kênh bị bồi lắng, bờ kênh bị sụt sạt...

Chứng kiến công trình tưới, tiêu quan trọng của địa phương bị hư hỏng, ông Nguyễn Văn Thanh, người dân xã Cổ Đô nói: “Do xã vận động nên gia đình tôi chấp nhận dồn đổi toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp về khu vực này. Nhưng 5 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng bị mất mùa vì trồng lúa thì chết do úng ngập dài ngày, nuôi cá thì bị tràn bờ... Người dân ở đây rất mong các cấp, các ngành cải tạo, nâng cấp tuyến kênh này để yên tâm đầu tư phát triển kinh tế...”.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho hay, do nhiều đoạn bờ kênh bị lún sụt, cao trình bờ hạ thấp nên khi xảy ra tình huống ngập úng đơn vị không thể vận hành toàn bộ 8 trạm bơm để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp. Bởi nếu vận hành toàn bộ 8 trạm bơm, nước từ kênh sẽ tràn ngược vào đồng ruộng...

Sớm cải tạo, nâng cấp tuyến kênh

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Ba Vì được xác định có hệ số tiêu 8,7 lít/s/ha (cao gấp 2,4 lần so với hiện tại). Cùng với đó, nhu cầu đi lại của người dân trên bờ kênh ngày càng cao. Tuy nhiên, hiện trạng của tuyến kênh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh...

Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống úng ngập, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin, huyện đã đề xuất UBND thành phố cho đầu tư tuyến kênh Cổ Đô - Vạn Thắng theo hướng kiên cố hóa toàn bộ tuyến kênh; cải tạo, mở rộng bề mặt hai bên bờ kênh để làm đường giao thông phục vụ dân sinh...

Trên cơ sở đề xuất của huyện Ba Vì và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 9-7 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3217/QĐ-UBND về việc cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng kết hợp làm đường giao thông dân sinh huyện Ba Vì. Theo đó, UBND thành phố giao UBND huyện Ba Vì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nêu trên với quy mô dự kiến: Kiên cố hóa tuyến kênh với chiều dài khoảng 18,3km; cải tạo 20km mặt hai bờ kênh kết hợp làm đường giao thông; cải tạo, nâng cấp các công trình trên kênh. UBND thành phố cũng cho phép thực hiện dự án này bằng nguồn vốn ngân sách thành phố trong giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng giao huyện Ba Vì có trách nhiệm lập, trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, tổng hợp dự án trên vào danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố...


Chia sẻ trên

21/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Nỗ lực tìm đầu ra cho đặc sản sầu riêng

Là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, Khánh Sơn có đặc sản sầu riêng quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền "Sầu riêng Khánh Sơn" từ năm 2011. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có hơn 1.730 ha sầu riêng, sản lượng 6.240 tấn.

22/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Xã Đông Quang, huyện Ba Vì: Lò gạch trái phép gây ô nhiễm môi trường

Trên địa bàn xã Đông Quang, huyện Ba Vì hiện có hai lò gạch xây dựng trên đất nông nghiệp, dù bị cấm vẫn ngang nhiên hoạt động. Xe tải, ống khói của hai cơ sở này đã gây hư hại đường giao thông nội đồng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua.

21/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.