Chính sách khuyến khích doanh nghiệp

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

21/07/2021 | Tác giả: Hải Yến


Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết do yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện nay đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới nên cần thiết phải xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, giá thịt lợn hiện nay của nước ta tăng cao (gấp 4-5 lần giá thịt tại Mỹ, theo Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương, giá thịt heo nạc tại Chicago - Mỹ giao kỳ hạn tháng 7/2020 giao dịch ở mức 45,18 UScent/lb tương đương 23.195 đồng/kg). Do vậy, cần bổ sung đối tượng này và một số loại gia súc khác vào chính sách hỗ trợ để khôi phục, đẩy mạnh sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc, tạo cạnh tranh bình đẳng, đưa giá thành sản phẩm gia súc về mặt bằng hợp lý.

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông lâm sản, do đó cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cho thấy cơ chế hỗ trợ trong Nghị định 57/2018/NĐ-CP còn chưa thật rõ ràng, nên khi thực hiện còn lúng túng. Việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ đất nông nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn khó thực hiện do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ...

Do vậy, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP là thực sự cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.

Miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng đầu tư

Theo dự thảo, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ gồm miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước.

Cụ thể, doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước hai phần ba (2/3) thời gian thuê, tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.

Doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước một phần hai (1/2) thời gian thuê, tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.

Về hỗ trợ tập trung đất đai: Doanh nghiệp thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ tối đa 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến nông sản được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu như sau: Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, không quá 40% tổng mức đầu tư dự án, tối đa 10 tỷ đồng/dự án.

Đối với hỗ trợ tín dụng đầu tư, dự thảo quy định, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại để thực hiện dự án như sau: Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, tính trên số vốn vay dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất kể từ thời điểm đề nghị hỗ trợ: Tối đa 9 năm đối với Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, tối đa 7 năm đối với Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và tối đa 5 năm đối với Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Hạn mức hỗ trợ lãi suất không quá 70% tổng vốn vay của dự án…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.


Chia sẻ trên

21/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Bố trí đất đai, sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại tại huyện Nga Sơn

So với nhiều huyện trong tỉnh, Nga Sơn là địa phương có diện tích đất nông nghiệp không lớn. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, huyện ven biển này đang vươn lên thành một trong những vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nga Sơn, nhiệm kỳ 2020–2025 xác định, nông nghiệp chính là 1 trong 2 khâu đột phá của địa phương. Trong đó, tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại đang được huyện chú trọng thực hiện.

21/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Nỗ lực tìm đầu ra cho đặc sản sầu riêng

Là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, Khánh Sơn có đặc sản sầu riêng quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền "Sầu riêng Khánh Sơn" từ năm 2011. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có hơn 1.730 ha sầu riêng, sản lượng 6.240 tấn.

20/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Khi hợp tác xã nhập cuộc

Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Nội ngày càng được củng cố và có bước phát triển hiệu quả. Bên cạnh mang lại thu nhập cho hàng triệu lao động nông thôn, khu vực kinh tế tập thể này còn đóng góp tích cực vào kết quả của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).