Lò gạch trái phép

Xã Đông Quang, huyện Ba Vì: Lò gạch trái phép gây ô nhiễm môi trường

22/07/2021 | Tác giả: Hải Yến


Trên địa bàn xã Đông Quang, huyện Ba Vì hiện có hai lò gạch xây dựng trên đất nông nghiệp, dù bị cấm vẫn ngang nhiên hoạt động. Xe tải, ống khói của hai cơ sở này đã gây hư hại đường giao thông nội đồng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua.

Xã Đông Quang, huyện Ba Vì: Lò gạch trái phép gây ô nhiễm môi trường
Lò gạch Việt với công nghệ kiểu cũ trên đất nông nghiệp tại xã Đông Quang. Ảnh: Đặng Sơn

Niêm phong hay che mắt?

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tất cả các lò gạch không bảo đảm điều kiện về môi trường như lò úp vung, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch buộc phải dừng hoạt động trước ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, tại một số địa phương, lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống xung quanh.

Ví dụ như các lò gạch Việt của Công ty TNHH Gạch Việt và nhà máy gạch không nung Gia Vũ - Công ty TNHH Bê tông Gia Vũ ở thôn Cao Dương, xã Đông Quang, huyện Ba Vì. Trong đó, nhà máy gạch không nung Gia Vũ được đưa vào hoạt động từ năm 2015 với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 30 triệu viên/năm. Còn nhà máy gạch nung Gạch Việt hoạt động từ năm 2011, với phương pháp đốt lò thủ công. Đến năm 2018 UBND huyện Ba Vì đã phối hợp với các sở, ban ngành yêu cầu lò gạch của Công ty TNHH Gạch Việt dừng hoạt động để chuyển đổi công nghệ sản xuất theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. UBND huyện Ba Vì đã giao cho UBND xã Đông Quang tiến hành lập biên bản, niêm phong yêu cầu lò gạch Việt dừng hoạt động.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, những tuyến đường giao thông nội đồng quanh phạm vi lò gạch đang có dấu hiệu hư hỏng do xe trọng tải lớn hoạt động thường xuyên. Hành lang giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 32 hướng Hà Nội – Ba Vì bị lấn chiếm làm nơi tập kết gạch thành phẩm trong thời gian dài.

Điều đáng nói, thông tin từ lãnh đạo UBND xã Đông Quang cho hay, UBND xã đã lập biên bản, yêu cầu nhà máy gạch Việt dừng hoạt động để chuyển đổi công nghệ dây chuyền hiện đại và niêm phong dây chuyền sản xuất. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng địa phương kiểm tra thì không hiểu tại sao niêm phong vẫn còn, trong khi nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

Gom đất nông nghiệp trái phép?

Hai lò gạch kể trên còn là những ví dụ điển hình cho thực trạng buông lỏng quản lý, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai tại một số nơi trên địa bàn Hà Nội. Ông Lê Mạnh Hùng – chuyên viên Phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Ba Vì khẳng định, hai trường hợp lò gạch không nung Gia Vũ và lò gạch Việt là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. “Họ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng. Lò gạch này không được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Hiện nay, lò gạch Việt và Gia Vũ vẫn chưa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vẫn là đất nông nghiệp” - ông Lê Mạnh Hùng cho biết.

Theo phản ánh của người dân tại thôn Cao Cương, xã Đông Quang, để có quy mô như hiện tại, chủ các lò đã mua gom đất ruộng của người dân để san lấp, mở rộng dần nhà xưởng. Song hành với sự phát triển của hai lò gạch, không khí ở thôn Cao Cương ngày càng trở nên ô nhiễm nặng nề hơn, triền miên khói bụi; nhiều tuyến giao thông nội đồng chịu trọng tải lớn đã không còn giữ được kết cấu dẫn đến nứt, hỏng. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Đông Quang cho biết, có tình trạng một số cá nhân mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn nhưng giao dịch không qua chính quyền nên không nắm được rõ.

Hai lò gạch xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, không bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn về môi trường, gây nhiều hệ luỵ cho đời sống Nhân dân trên địa bàn xã Đông Quang đã tồn tại nhiều năm, vì sao chưa được xử lý?

Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì Lê Mạnh Hùng thậm chí còn tiết lộ, với các lò gạch ở xã Đông Quang, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận, giao cho UBND huyện phối hợp với các sở, ngành xem xét chủ trương đầu tư dự án. Phải chăng có một sức mạnh “ngầm” giúp chống đỡ để hai lò gạch này tồn tại dai dẳng, sản xuất, kinh doanh, thu lợi đều đều nhiều năm qua (?)


Chia sẻ trên

22/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Nâng cấp tuyến kênh Cổ Đô - Vạn Thắng

Sau hơn 60 năm đầu tư và đưa vào sử dụng, tuyến kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng (huyện Ba Vì) xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn. Đáp ứng nguyện vọng của người dân, UBND thành phố Hà Nội vừa cho phép huyện Ba Vì lập chủ trương thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh này.

22/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Hàng trăm nghìn m2 đất nông nghiệp thành dự án không phép - Bài 3: Không thể chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm là xong!

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, có dấu hiệu dung túng, bao che để cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đạt Phát và Công ty Đạt Phát vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, nhưng đến nay chưa có bất cứ cán bộ nào bị xử lý kỷ luật. Không lẽ sự việc sẽ “chìm xuồng” và “hòa cả làng” không ai phải chịu trách nhiệm?

21/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Nỗ lực tìm đầu ra cho đặc sản sầu riêng

Là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, Khánh Sơn có đặc sản sầu riêng quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền "Sầu riêng Khánh Sơn" từ năm 2011. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có hơn 1.730 ha sầu riêng, sản lượng 6.240 tấn.