Lo Trung Quốc không "ăn" hàng, nông dân làm thanh long VietGAP
04/12/2018 | Tác giả: Trần Cửu Long
Lo Trung Quốc “dựng hàng rào kỹ thuật” về kiểm định chất lượng, nông dân Long An ráo riết làm thanh long VietGAP.
Khoảng 70% thanh long trồng ở Long An xuất sang Trung Quốc. Vụ thanh long thất bại mới đây do phần lớn không thể xuất đi Trung Quốc vì kém chất lượng đã làm thức tỉnh nhiều nông dân trồng thanh long.
Ráo riết làm thanh long VietGAP…
Theo ông Trần Quốc Toản-Phó Chủ tịch Hội Nông dân Long An, bây giờ sản xuất thanh long bán cho Trung Quốc không còn dễ dàng như trước.
“Thương lái Trung Quốc mua trái thanh long đã đến tận vườn lấy mẫu đi thử. Nếu vượt dư lượng hóa chất, họ sẽ không mua hàng”, ông cho biết.
Anh Phan Thanh Tuấn (xã Lương Hòa, Bến Lức, Long An) kiềm tra vườn thanh long vừa trồng theo hướng VietGAP
Ông Trương Quang An-một chủ vườn thanh long ở thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành) vừa thông tin, đã làm xong hệ thống tự động pha chế thuốc, phân hữu cơ tự động để tưới cho vườn thanh long kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Hệ thống này được Sở KH-CN tỉnh Long An hỗ trợ một phần vốn.
“Hiện, tôi làm khoảng 50ha thanh long. Thời gian qua tôi đã chuyển sang làm hơn 20ha thanh long VietGAP”, ông An cho biết.
Theo ông An, hàng năm, ông thu hoạch khoảng 5.000-7.000 tấn thanh long. 70% số thanh long này xuất sang Trung Quốc. “Tôi nghe nói Trung Quốc sẽ dựng hàng rào kỹ thuật kiểm định chất lượng thanh long Việt Nam khi xuất sang nước này. Nếu vậy, không làm thanh long sạch cầm chắc là chết”, ông thổ lộ.
Diện tích không nhiều như ông An, nhưng với 4.000m2 thanh long cũng khiến bà Cao Thị Thu Biên (xã Bình Tâm, Châu Thành) thấp thỏm.
“Vừa qua tôi đã chuyển sang làm thanh long theo hướng sạch. Giờ trồng thanh long không còn cảnh tưới, bón ào ào phân, thuốc hóa học. Trung Quốc không mua thanh long trồng như thế nữa mà phải trồng theo hướng hữu cơ”, bà Biên nói.
Cũng theo bà Biên, bà đang mở rộng vườn thanh long thêm 2.000m2. Và cũng sẽ trồng theo hướng thanh long VietGAP. Hiện, Long An có khoảng 10.000ha thanh long. Mỗi năm thu hoạch khoảng 200.000 tấn thanh long. Phần lớn diện tích này vẫn chưa được chuyển sang trồng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).
Hy vọng 2.000ha thanh long công nghệ cao
Huyện Châu Thành được coi là "vựa" thanh long của tỉnh Long An với gần 8.500ha, trong đó, thanh long ruột đỏ chiếm 7.000ha, còn lại là thanh long ruột trắng. Thời gian qua, huyện này tập trung đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao, VietGAP.
Tỉnh Long An đang triển khai đề án 2.000ha thanh long công nghệ cao tại đây. Và hy vọng đề án này hoàn thành sẽ nâng chất, gia tăng giá trị cho trái thanh long, cũng như xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới.
Theo ông Võ Văn Vấn-Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành, hiện đề án này đã hoàn thành hơn 1.400ha thanh long ứng dụng công nghệ cao.
“Mục tiêu của huyện đến năm 2019 là hoàn thành đề án với 2.000ha thanh long công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Việc ƯDCNC góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh, đa dạng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, thay đổi tập quán canh tác của người dân”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy – chủ cơ cở thu mua thanh long xuất khẩu Bảo Quyên (Châu Thành) cho biết, thực tế hiện nay, Trung Quốc rất ngán ngại nhập thanh long trồng như trước đây với nông dân việc sử dụng nhiều hóa chất. “Hiện tôi cũng chỉ mua thanh long VietGAP xuất đi Trung Quốc”, chị Thúy cho biết.
Cũng theo chị Thúy, bên cạnh khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng thanh long VietGAP, chính quyền địa phương cũng phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong, ngoài nước để mở rộng đầu ra.
“Hiện nay, trồng thanh long truyền thống hay VietGAP khi xuất đi Trung Quốc giá cả cũng ngang nhau. Chỉ khi xuất được sang các thị trường khó tính thì giá thanh long của 2 loại này mới chênh nhau vài ngàn đồng”, chị Thúy chia sẻ.
Theo UBND huyện Châu Thành, hiện trái thanh long của huyện xuất khẩu đến 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long nhằm mở rộng thị trường trong nước. Qua đó, giúp trái thanh long của huyện có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích của các thành phố lớn trong nước.
Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, tỉnh đang tập trung sản xuất thanh long hướng đến các thị trường khó tính, như: Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc,... Vì vậy, sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất thanh long đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết sản xuất hàng hóa, có chất lượng đồng đều.
Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long triển khai về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, catalogue, clip quảng cáo, giới thiệu trái thanh long với các nước trên thế giới…
Theo Dân Việt