Thanh long được giá nhờ công nghệ blockchain

Thanh long được giá nhờ công nghệ blockchain

03/12/2018 | Tác giả: Phương Minh


Việc áp dụng công nghệ blockchain đang đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh và giúp xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Thanh long được giá nhờ công nghệ blockchain

Hai doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đầu tiên tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối - một trong những xu hướng công nghệ mới đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực) nhằm truy xuất nguồn gốc, lý lịch sản phẩm để phục vụ các thị trường xuất khẩu khó tính.

Không chỉ đối với trái thanh long, một số công ty cũng đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain cho chuỗi cung ứng hải sản, cà phê, dược phẩm, tài chính ngân hàng...

Xuất khẩu thuận lợi nhờ công nghệ mới

Lâu nay trái thanh long chịu số phận long đong, thậm chí có thời điểm phải đổ bỏ cho bò ăn vì không ai mua. Một trong những lý do khiến thanh long không bán được, rớt giá thê thảm vì không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để khắc phục tình trạng trên, ngoài việc trồng thanh long theo tiêu chuẩn Global G.a.p, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka đã ứng dụng blockchain vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó hiện nay hai công ty trên đều đặn xuất khẩu trái thanh long với giá rất tốt vào các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Nhật, châu Âu.

“Từ khi gieo mầm cho đến lúc trưởng thành, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và đến nơi tiêu thụ hàng hóa, trái thanh long đều được giám sát một cách chi tiết. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể biết toàn bộ con đường đi của trái thanh long ra sao cho đến lúc nằm trên bàn ăn của họ. Tất cả nhờ vào công nghệ blockchain” - ông Phạm Hoài Tâm, đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit giải thích.

Việc hai công ty trên ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc thanh long nhờ vào dự án hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Úc cùng với Quỹ châu Á tại Việt Nam. Ông Robin Bednall, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, khẳng định: Một khi ứng dụng công nghệ blockchain thì nông sản Việt Nam dễ dàng đưa sản phẩm vào thị trường Úc, một thị trường cực kỳ khó tính, luôn đòi hỏi tính minh bạch cao nhưng lại đem đến giá trị gia tăng cao.

“Người tiêu dùng Úc vốn chỉ biết đến các sản phẩm thanh long “made in Viet Nam” nhưng sản xuất như thế nào, trồng vùng nào, theo tiêu chuẩn nào hay thu hoạch, vận chuyển ra sao thì hoàn toàn không nắm bắt được. Khi áp dụng blockchain vào sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin này. Chẳng hạn, họ xem từ thu hoạch đến khi vận chuyển đến nước Úc mất bao lâu thời gian để xem độ tươi của sản phẩm, từ đó cũng dẫn đến quyết định hành vi mua sắm của họ” - ông Robin Bednall nói.

Không chỉ thanh long, trái xoài Cát Chu, một trong những đặc sản có tiếng cũng đã được các “hai lúa” của hợp tác xã Mỹ Xương ở Đồng Tháp ứng dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc. Nhờ công nghệ này, khi dùng điện thoại quét con tem trên quả xoài do các “hai lúa” của hợp tác xã làm ra, người tiêu dùng có thể biết được quá trình sản xuất, phân phối, cách sử dụng của sản phẩm.

Sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc trái thanh long, mở rộng thị trường xuất khẩu 

Chỉ là bước khởi đầu

Ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhận định Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập với các yêu cầu quốc tế về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm ngày càng cao. Do đó việc áp dụng blockchain là cách giúp minh bạch hóa thông tin, truy xuất nguồn gốc nông sản để tiếp cận thị trường thế giới một cách thuận lợi nhất và tốt nhất.

“Đây là cũng là giải pháp đưa sản phẩm Việt Nam đến gần với người tiêu dùng thế giới, giúp hiểu và biết rõ hơn sản phẩm Việt, cho phép người tiêu dùng truy cập giám sát kiểm tra hệ thống chuỗi cung ứng. Một khi người tiêu dùng quốc tế đặt niềm tin vào sản phẩm là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm” - ông Huấn nói.

TS Chris Berg, thành viên nghiên cứu chủ chốt của Trung tâm Đổi mới sáng tạo blockchain thuộc ĐH RMIT, cho biết thêm blockchain đang đóng vai trò như hạ tầng kinh tế nền tảng, đặc biệt là chuỗi cung ứng thông tin. Nhờ đó có thể trả lại giá trị cho người thực sự tạo ra hàng hóa, cho nông dân, hơn là trải dài trên toàn chuỗi cung ứng hay bị giữ lại ở tận cuối chuỗi như các nhà hàng hay siêu thị.

“Điều này sẽ giúp nông dân Việt Nam nắm giữ thêm giá trị và không chỉ họ mà kinh tế địa phương cũng sẽ được lợi vì chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào thông tin về sản phẩm đó. Mặt khác nếu nông dân, doanh nghiệp Việt Nam làm hiệu quả thì công nghệ này là công cụ hết sức mạnh mẽ giúp nâng tầm thương hiệu quốc gia” - TS Chris Berg nói.

Tuy đánh giá công nghệ blockchain mở ra cơ hội mới cho hàng Việt khi xuất khẩu ra nước ngoài nhưng một số chuyên gia cho rằng không dễ để áp dụng đại trà vì áp dụng trong một số lĩnh vực như thủy sản khá phức tạp. Do vậy trước mắt nên lựa chọn những mặt hàng đã có tiếng, thế mạnh của Việt Nam để đưa công nghệ vào, sau đó nhân rộng ra nhiều lĩnh vực.

Theo PLO


Chia sẻ trên

03/12/2018 | Đăng bởi: GCA

Sản lượng lên tới trên 10 vạn tấn, cam quýt Cao Phong bị "dìm giá"

Mặc dù vừa vào vụ, nhưng giá các loại cam, quýt, bưởi năm nay đã nhanh chóng giảm khi sản lượng trái cây có múi quá nhiều.

04/12/2018 | Đăng bởi: Thy Lê

Mở đường xuất ngoại cho sản phẩm chăn nuôi

Từ bài học chuỗi sản phẩm thịt gà đạt điều kiện xuất khẩu vào thị trường khó tính Nhật Bản, ngành chăn nuôi cần tổ chức lại tất cả các ngành hàng khác như thịt lợn, trứng vịt muối, trứng chim cút theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ khác nhau, trong đó các doanh nghiệp, HTX đóng vai trò rất quan trọng.

01/12/2018 | Đăng bởi: Anh Thơ

An toàn thực phẩm cuối năm 2018: Siết chặt để “vượt rào”

Trong bối cảnh các nước dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật, trong đó chú trọng nhất đến vấn đề an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì việc ngành chức năng, các doanh nghiệp và nông dân cần làm lúc này là: Sản xuất an toàn.