Lỗ hổng pháp lý khiến nông sản nhập khẩu đua nhau “đội lốt” hàng Việt

Lỗ hổng pháp lý khiến nông sản nhập khẩu đua nhau “đội lốt” hàng Việt

19/11/2018 | Tác giả: Bạch Dương


Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về xử lý thông tin báo chí nêu về nông sản nhập khẩu "đột lốt" hàng Việt Nam.

Lỗ hổng pháp lý khiến nông sản nhập khẩu đua nhau “đội lốt” hàng Việt

Bộ Công Thương cho biêt, thời gian qua xuất hiện tình trạng một số nông sản, thủy sản không rõ xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa… Hành vi gian lận này tuy chưa phổ biến nhưng cũng đã phần nào làm giảm uy tín của sản phẩm Việt Nam và ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng.

Nông sản Việt đang bị "đội lốt" tại nhiều nơi

Bộ này phân tích, nguyên nhân của tình trạng nông sản "đội lốt" hàng Việt, thứ nhất là bởi các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Thứ hai, các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để đối với nông sản, thủy sản. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có đưa ra các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm (Chương XI) nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với sản phẩm "không bảo đảm an toàn", tức là chỉ khi sản phẩm không đảm bảo an toàn hoặc khi cơ quan nhà nước có yêu cầu thì thương nhân mới phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc với thực phẩm.

Thứ ba, pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm của Việt Nam. Pháp luật đã có các quy định chi tiết về cách xác định một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. 

Tuy nhiên, các quy định này mới được áp dụng cho hàng xuất khẩu, không áp dụng đối với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm "của Việt Nam" hay không.

Theo Bộ Công Thương, do thương nhân có thể bán hàng mà không cần nhãn mác, không cần khai báo xuất xứ và cũng không phải truy xuất nguồn gốc nên các cơ quan chức năng hầu như không thể phát hiện và xử lý trường hợp nông sản nước ngoài "đội lốt" nông sản Việt Nam khi hàng đã vào chợ dân sinh. Thậm chí, ngay cả khi có lý do để nghi ngờ thì cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định một sản phẩm nào đó "không phải là sản phẩm của Việt Nam".

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Trước đó, hồi giữa tháng 9/2018, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi các tiểu thương kinh doanh tại chợ nông sản Đà Lạt, nghiêm cấm mọi hành vi lưu trữ, kinh doanh hàng hóa nông sản có xuất xứ ngoài địa phương để mạo danh nông sản Đà Lạt.

Theo Vneconomy


Tags

Chia sẻ trên

20/11/2018 | Đăng bởi: Hải Đăng

Vĩnh Phúc xây dựng 20 chuỗi giá trị liên kết: Nông sản rõ nguồn gốc

Từ năm 2012 đến nay, Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị xây dựng 20 chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp thông qua kết nối của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác.

18/11/2018 | Đăng bởi: Công Trí

Xuất khẩu chè khởi sắc trở lại

Xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 10/2018 đạt 12,3 nghìn tấn và 23,1 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và 24% về trị giá so với tháng 9/2018.

20/11/2018 | Đăng bởi: Nguyên Hạnh

Đất và vốn “cản đường” doanh nghiệp làm nông

Một trong những thành quả ấn tượng nhất của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là thu hút số lượng lớn doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, tăng tới 2,5 lần so với năm 2012. Tuy nhiên, con số này được đánh giá chưa đạt được như kỳ vọng.