Kém cạnh tranh, DN cà phê nội khó lớn

Kém cạnh tranh, DN cà phê nội khó lớn

10/12/2018 | Tác giả: Thy Lê


Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đặt các nhà máy chế biến sâu tại Việt Nam để tận dụng vùng nguyên liệu và tranh thủ các cơ hội từ cắt giảm thuế quan mà Việt Nam được hưởng tại các thị trường Mỹ, EU theo các cam kết hội nhập CPTPP, EVFTA.

Kém cạnh tranh, DN cà phê nội khó lớn

Từ một quốc gia không nằm trên bản đồ cà phê, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu (XK) đứng thứ hai thế giới (sau Brazil) với khối lượng XK trung bình hàng năm khoảng 1,78 triệu tấn, kim ngạch 3,34 tỷ USD, chiếm 20% thị phần cà phê toàn cầu và trở thành vùng nguyên liệu cà phê Robusta lớn nhất. Quá trình mở cửa và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần rất lớn trong việc đẩy mạnh XK.

Giá trị gia tăng thấp

Nhiều năm nay, cà phê luôn là mặt hàng XK quan trọng của Việt Nam với lượng XK hàng năm luôn trên 1 triệu tấn, kim ngạch trên 3 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam đã XK cà phê sang trên 100 thị trường, trong đó những thị trường chính có yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng rất cao là EU và Mỹ.

Những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam từng bước chuyển đổi tích cực sang phát triển rang xay, chế biến sâu theo hướng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường XK.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết nhiều DN nước ngoài đã đặt các nhà máy chế biến sâu tại Việt Nam (Nestle, Cà phê Ngon) để tận dụng vùng nguyên liệu và tranh thủ các cơ hội từ cắt giảm thuế quan mà Việt Nam được hưởng tại các thị trường Mỹ, EU theo các cam kết hội nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA).

Trong giai đoạn tới, các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cà phê Việt Nam nhờ cắt giảm thuế quan, đặc biệt là đối với các sản phẩm cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan, tinh chất chiết xuất từ cà phê).

Theo phản ánh của các DN, thời gian qua, các DN XK cà phê Việt Nam cũng thường bị lép vế trước các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cứ đến niên vụ thu hoạch cà phê, các DN FDI ở Tây Nguyên đẩy giá thu mua cao và mua phần lớn sản lượng cà phê nhân xô tại đây để chế biến.

Nhiều DN XK cà phê trong nước thậm chí còn phải mua lại sản phẩm cà phê nhân xô của DN FDI với giá cao hơn để cung cấp đủ đơn hàng đã ký với các đối tác nước ngoài dù có bị lỗ.

Trong khi đó, các DN trong nước không được vay ngoại tệ để thu mua cà phê XK, còn DN FDI lại được vay ngoại tệ với lãi suất rất thấp. Điều này cũng làm giảm tính cạnh tranh của các DN XK nông sản với các DN FDI cùng ngành nghề kinh doanh.

Hiện, DN FDI đang chiếm khoảng 40% khối lượng và giá trị XK cà phê của Việt Nam, nhưng các DN này chủ yếu XK cà phê rang xay, hòa tan có giá trị lớn hơn XK cà phê nhân.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện Việt Nam có trên 150 DN XK cà phê nhưng chỉ có ít DN sản xuất chế biến cà phê như Trung Nguyên, Phúc Long, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, CTCP Cà phê Mê Trang, CTCP Vinacafe Biên Hòa… có sản phẩm cà phê chế biến (cà phê hòa tan, rang xay…) XK. Điều này không đủ để nâng tầm hay ghi tên cà phê Việt Nam vào bản đồ thức uống thế giới.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đặt các nhà máy chế biến sâu tại Việt Nam

Việt Nam là nước XK cà phê Robusta đứng thứ hai thế giới, nhưng chế biến cà phê mới chỉ chiếm 10% sản lượng. Dư địa phát triển còn rất lớn nhưng số DN có nhà máy chế biến cà phê nhân hiện còn rất khiêm tốn, trên dưới 50 DN.
 
Trợ lực DN vượt khó

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Vicofa, cho rằng hiện nay để đẩy mạnh công nghiệp chế biến là chuyện không dễ với DN trong nước. Khó khăn lớn nhất của DN là vốn. Để có một hệ thống chế biến cà phê hòa tan hoặc rang xay với công suất 1.000 tấn, DN phải đầu tư khoảng 10 triệu USD.

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Intimex, cho biết đã đầu tư được hơn 10 nhà máy sản xuất cà phê nhưng quy mô không lớn vì thiếu đất. Có những diện tích đất của nông trường làm ăn thua lỗ, DN muốn tiếp cận song trên thực tế nông trường đã khoán hết đất cho nông dân nên gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, cùng với các cam kết thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu trong và ngoài nước, Việt Nam trở thành địa bàn tiềm năng thu hút đầu tư cho chế biến cà phê không chỉ của các DN trong nước mà các DN nước ngoài để tận dụng các cơ hội thị trường từ hội nhập. Từ đó có thể nâng cao vị thế, đưa cà phê Việt Nam lên nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, các DN nội cần cố gắng hơn nữa.

Các chuyên gia cho rằng DN trong nước cần phải đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến cà phê (cà phê bột, cà phê hòa tan) với công nghệ hiện đại sản xuất các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ DN về vốn, đất đai, nguồn nhân lực.

Trước thực tế XK cà phê hiện chủ yếu thu mua qua trung gian, sản xuất không liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng DN XK cần xây dựng vùng nguyên liệu để giảm giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm. Cùng với đó, DN đóng vai trò như một mắt xích trong chuỗi liên kết với nông dân và HTX.

Bên cạnh đó, sản phẩm cà phê XK được dự đoán sẽ phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao với nhiều yêu cầu mới về môi trường, bao gồm cả tiêu chuẩn quốc gia của nước nhập khẩu và tiêu chuẩn tư nhân tự nguyện của các nhà nhập khẩu. Đặc biệt, cà phê Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường quốc tế khi các quốc gia khác không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng.

Đặc biệt, ngành cà phê còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng khô hạn ngày càng tăng khi mực nước ngầm ngày càng thấp trong thời gian qua và tình trạng khai thác nước ngầm quá mức chưa được giải quyết triệt để. Hơn ai hết, mỗi DN cần chủ động và nỗ lực để vượt qua các thách thức này.

Theo TBKD


Tags

Chia sẻ trên

09/12/2018 | Đăng bởi: Thế Vinh

Vá điểm khuyết chính sách xuất khẩu

Nếu như xuất khẩu qua đường hàng không, doanh nghiệp ám ảnh chuyện "bôi trơn" do trọng lượng hàng hóa thường sai lệch, còn chính sách với xuất khẩu tại chỗ chưa rõ ràng thì doanh nghiệp lại lo bị truy thu thuế.

10/12/2018 | Đăng bởi: Phạm Vân

Bài toán đầu tư sản xuất nông sản sạch tại Việt Nam

Đầu tư vào nông sản là "mỏ vàng" hay "hang hổ" vẫn là bài toán khiến các "ông lớn" đến nhiều nhà bán lẻ cân nhắc.

10/12/2018 | Đăng bởi: Lê Thúy

Nông sản vượt rào vào EU

EVFTA được kỳ vọng sẽ là thời cơ để nông sản Việt dễ dàng thâm nhập và có lợi thế tại thị trường Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, với các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng.