Trồng rau, quả công nghệ cao ở "xứ sương mù"
25/08/2021 | Tác giả: Hải Yến
Làm nông nghiệp công nghệ cao đang là lựa chọn khôn ngoan của người dân "xứ sương mù" vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa bảo vệ môi trường
Những năm gần đây, những cánh đồng công nghệ bắt đầu hình thành tại TP Đà Lạt, đặc biệt là những vườn rau quả trồng theo phương pháp thủy canh với công nghệ thông minh. Người trồng rau ở "xứ sương mù" bắt đầu có sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ xuất khẩu sang nhiều nước.
Thỏa đam mê nông nghiệp công nghệ cao
Thăm trang trại trồng rau xà lách thủy canh bạt ngàn của anh Tô Quang Dũng, (42 tuổi, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), một trong những cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi rau trồng thủy canh số lượng lớn ở đây xanh mướt hút tầm mắt. Anh Dũng tay cầm cây xà lách vừa mới thu hoạch cùng công nhân, nói công ty đang thu hoạch gấp để kịp xuất sang Hàn Quốc theo đúng thời hạn đã ký kết.
"Tốt nghiệp ngành phay, bào, tiện Trường La San kỹ thuật tại Đà Lạt (hiện là Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng) nhưng mình về làm nông nghiệp tại địa phương. Lúc đó tại Đà Lạt, nông nghiệp công nghệ cao chưa được áp dụng nhiều, hầu như những sản phẩm thủy canh chỉ thấy trên mạng internet. Tôi may mắn được đi công tác và tham quan nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Lan, Malaysia. Khi đó, tôi thấy một số nơi có khí hậu tương đối giống Đà Lạt, Lâm Đồng, họ canh tác rau hoa rất phát triển. Nhờ áp dụng công nghệ cao hơn ở nước ta gấp 10 lần nên chất lượng sản phẩm cũng như sản lượng cây trồng của họ làm ra có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu được các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản nên mình quyết định làm theo" - anh Dũng nói về lý do khởi nghiệp.
Giữa năm 2015, anh Dũng quyết định đầu tư xây nhà kính, làm hệ thống thủy canh để trồng rau từ số vốn của mình và vay mượn thêm.
"Ban đầu, chi phí hệ thống trồng rau thủy canh khá cao, ở mức khoảng 800 triệu đồng/sào (1.000 m2) nhưng thị trường tiêu thụ mới là vấn đề đau đầu. Những vụ đầu, chúng tôi chỉ bán được khoảng 100 kg rau mỗi ngày" - anh Dũng nhớ lại.
Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm là mục tiêu cốt lõi của người làm nông nghiệp công nghệ cao. Nghĩ là làm, anh tự bỏ kinh phí đi tham gia các hội chợ thương mại tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… để học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Cũng từ đó, anh gặp được các nhà cung cấp, phân phối và khách hàng về nông nghiệp công nghệ cao nên đã ký kết xuất khẩu được những container rau thủy canh đầu tiên cho đối tác tại Hàn Quốc vào đầu năm 2016. "Cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì và phát triển thị trường này, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng nên rất được khách hàng ưa chuộng" - anh Dũng phấn khởi.
Anh Dũng cho hay để chủ động trong sản xuất, công ty nhập khẩu giống từ châu Âu. "Loại hạt giống này đã ở dạng tiền nảy mầm, khi chúng tôi tưới ẩm sau khoảng 24 giờ, hạt bắt đầu nảy mầm. Giai đoạn nuôi cây giống kéo dài từ 20-25 ngày, sau đó được đưa vào hệ thống thủy canh cho đến khi thu hoạch" - anh Tô Quang Dũng mô tả quy trình trồng xà lách thủy canh.
Hiện nay, tại trang trại trồng rau thủy canh hơn 3 ha của mình, anh Dũng đang dần hoàn thiện chuyên môn hóa các sản phẩm chủ lực. Trong đó, có sản phẩm rau xà lách, chuyên cung cấp cho thị trường Hàn Quốc, được luân canh liên tục với diện tích 1,5 ha.
Với cách trồng rau thủy canh công nghệ cao, thời gian trồng rau ngắn, rau hoàn toàn cách ly với mặt đất nên hạn chế tối đa nhiễm kim loại nặng và các loại vi khuẩn bên dưới mặt đất. "Hiện nay, loại màng bọc bảo quản rau của chúng tôi là màng nano, khi bảo quản rau, nó sẽ hút khí O2, đẩy CO2 và H2O ra ngoài, vì vậy các tế bào bên trong cây rau sẽ được bảo vệ, chất lượng rau vẫn được giữ nguyên trong thời gian dài. Đặc biệt, chúng tôi đang sử dụng công nghệ làm lạnh xuyên tâm. Đây là cách giúp cho rau có thể được bảo quản lâu, xanh tốt, bảo đảm chất lượng trong thời gian di chuyển từ 10-12 ngày" - anh Dũng cho hay.
Ăn nên làm ra nhờ cây phúc bồn tử
Một điển hình nông nghiệp công nghệ cao không thể không nhắc đến đó là HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Minh Thọ Organic và Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F (tại tổ Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) do anh Nguyễn Văn Hà làm giám đốc đang trong giai đoạn ăn nên làm ra nhờ cây phúc bồn tử.
Nhiều năm trước, gia đình anh Hà đổ vốn kinh doanh nhà trọ, khách sạn, nhà hàng tại trung tâm TP Đà Lạt. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Hà đã tìm hướng đi mới là bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao.
Anh Hà cho biết ban đầu mình trồng các loại rau xà lách lolo, romaine xanh, đỏ, cải xoăn, cải cầu vồng, cải bông hồng, astisô... nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Cách đây 2 năm, được người bạn ở châu Âu tặng giống cây phúc bồn tử (còn gọi là dâu rừng, mâm xôi) Israel, anh dành 2 sào đất trồng thử. Đến nay, anh Hà đã có hơn 4,5 ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ ngay dưới chân núi Langbiang.
Trong đó, hơn 2,5 ha phúc bồn tử được chăm sóc bằng hệ thống nhỏ giọt tự động. Mỗi tháng, các nông trại của anh cho thu hoạch hơn 4 tấn trái đạt chuẩn. Sau khi xử lý và đóng gói, anh xuất bán ra thị trường với giá hơn 200.000 đồng/kg (phúc bồn tử đỏ) và 900.000 đồng/kg (phúc bồn tử đen). Ngoài ra, sản phẩm còn được chế biến thành rượu vang, kẹo sô-cô-la, trà... giá trị kinh tế cao.
Theo anh Hà, để lấy được chứng chỉ nông nghiệp theo chuẩn organic Nhật Bản, phải thỏa mãn hơn 1.000 tiêu chí. Trong đó, sản phẩm phải được canh tác và sản xuất theo môi trường tự nhiên kết hợp với bảo vệ cuộc sống cộng đồng, nghĩa là sạch từ con người đến sản phẩm. "Các tiến sĩ, kỹ sư người Nhật đến kiểm tra, lấy mẫu lá cây trồng và cỏ xung quanh vườn làm mẫu để test chỉ tiêu theo chuẩn organic của Nhật. Chỉ cần 1 mẫu "dính" hóa chất độc hại thì kết quả sẽ không đạt, không được cấp chứng nhận…" - anh Hà tiết lộ.
Mùa dịch, xuất khẩu vẫn tăng 40%-50%
Theo anh Tô Quang Dũng, một vụ rau xà lách khoảng 35 ngày, mỗi năm trung bình trồng được từ 11 - 12 vụ, sản lượng từ 2,5- 4 tấn/1.000 m2. Đặc biệt, vào những mùa có khí hậu thuận lợi, sản lượng đã đạt đến hơn 4 tấn/1.000 m2. Không những sản phẩm được xuất khẩu hàng trăm tấn ra nước ngoài mỗi năm mà còn đưa một số lượng lớn rau quả vào chuỗi các siêu thị trong nước... Mỗi ngày, Công ty Trường Phúc cung cấp cho thị trường trong nước hơn 2 tấn rau xanh các loại.
Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài của công ty vẫn tăng trưởng từ 40%-50%. Hiện công ty đang liên kết với 20 hộ dân, với diện tích trên 20 ha, để sản xuất 30 loại rau xanh, củ, quả khác: cà rốt baby, súp lơ xanh baby, các loại rau xanh ăn lá... cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: https://nld.com.vn/