Thuê ruộng làm lúa giúp người nghèo

Thuê ruộng làm lúa giúp người nghèo

18/01/2019 | Tác giả: Thanh Dũng


Tìm thuê ruộng với giá rẻ rồi ra công cày cấy, tạo ra hạt lúa giúp những người nghèo khó là việc làm đáng trân trọng của Hội Chữ thập đỏ xã Tân Khánh Trung, H.Lấp Vò, Đồng Tháp.

Thuê ruộng làm lúa giúp người nghèo

Hơn 10 năm qua, hàng chục hội viên, cán bộ Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) xã Tân Khánh Trung đã ra công sức đóng góp cả chục tấn gạo giúp những hộ nghèo, các bếp ăn tình thương trong tỉnh.

Các hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Tân Khánh Trung gặt lúa trên đồng

Ông Trịnh Thế Hoàng, Chủ tịch HCTĐ xã Tân Khánh Trung, kể lúc trước HCTĐ xã có mô hình thuê đất trồng cây bạch đàn để lấy gỗ cất nhà tình thương cho hộ nghèo. Nhờ chủ động nguồn gỗ nên việc xây nhà cho người nghèo nhanh gọn và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Thấy vậy, HCTĐ xã tiếp tục nảy ra ý định thuê đất ruộng trồng lúa giúp người nghèo. Ông Hoàng nhớ lại, khi đưa câu chuyện này ra bàn bạc, 17 hội viên đều nhất trí. “Sở dĩ chuyện này được đồng lòng, nhất trí cao do những người trong HCĐT xã đều là nông dân, đã quen việc đồng áng”, ông Hoàng chia sẻ.

Năm 2007, HCTĐ xã hỏi mướn 3.000 m2 ruộng của bà Đặng Thị Mai (ngụ H.Lấp Vò). Biết ý định của HCTĐ xã thuê đất làm việc thiện giúp người nên bà Mai đã cho thuê giá rẻ. Ngay sau đó, HCTĐ xã phân công những người trong hội như ông Huỳnh Văn Hoa chịu trách nhiệm vận động về khâu làm đất; ông Phạm Văn Chính chịu trách nhiệm về khâu kỹ thuật, vận động xuống giống, bón phân, xịt thuốc; ông Phạm Văn Tây lo khâu vận động, người giậm lúa, tránh tình trạng lúa thưa mất năng suất; ông Nguyễn Văn Lý lo việc vận động người cắt lúa, suốt lúa. Về khâu phơi lúa thì 7 chi hội trưởng chịu trách nhiệm vận động thanh niên, lão nông tiếp sức…

Nhờ sự chung sức chung lòng, tính toán chọn cây giống, lượng phân bón…nên chi phí sản xuất và đầu tư làm ruộng giảm đáng kể. Năm đầu tiên thuê đất đã gây quỹ 1,8 tấn lúa, xay được 1,3 tấn gạo. Trong 5 năm từ năm 2010 - 2014 hội thuê đất sản xuất lúa gây quỹ được hơn 15 tấn lúa. Năm 2017, hội chỉ hợp đồng 4.000 m2 đất, sản xuất sau khi trừ chi phí, lợi nhuận được gần 1,7 tấn lúa. Còn năm vừa qua, vụ hè xuân thuê làm 8.000 m2 ruộng nhưng do mưa gió, lũ lụt nên chỉ được 1,2 tấn. Bình quân trong hơn 10 năm qua, mỗi năm hội cung cấp 1,3 tấn gạo làm từ thiện giúp người nghèo, bệnh viện.

HCTĐ xã đã chọn lọc các hộ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để tặng hằng tháng 10 kg gạo, có 11 hộ đã được tặng gạo như hộ bà Hà Thị Nang (60 tuổi, ngụ ấp Khánh An) nhà nghèo lại có con bị bệnh tật nên cuộc sống vô cùng khó khăn.

Với 10 kg gạo được tặng mỗi tháng bà Nang nhẹ bớt phần nào tiền mua gạo, còn bà Nguyễn Thị Bảy (70 tuổi, ngụ ấp Khánh Mỹ A) già yếu lại sống một mình nên lo ăn từng bữa vất vả. Bà Bảy vẫn còn nhớ, năm 2015, khi hay tin có tên trong danh sách được chọn tặng gạo, bà đã vui mừng không còn lo sợ thiếu gạo ăn.

Ông Hoàng bộc bạch:“Từ ngày HCTĐ xã có nguồn quỹ gạo trong tay, việc giúp đỡ các hộ nghèo, các hộ bị thiên tai đều kịp thời và chủ động hơn. Khi có chuyện cần là trích xuất gạo trong quỹ ra giúp liền, không phải đi vận động mất nhiều thời gian như trước kia”. Hơn 10 năm qua, những người trong HCTĐ nay đã già đi theo thời gian nhưng nhiệt huyết vẫn còn, nên năm nay vẫn hăng hái theo cánh trung niên, thanh niên ra đồng làm ruộng giúp người nghèo.

Theo Thanh Niên


Tags

Chia sẻ trên

16/01/2019 | Đăng bởi: Công Phiên

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp TPHCM

Đô thị hóa luôn là sức ép khi diện tích đất nông nghiệp TPHCM giảm dần qua từng năm, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất trong quá trình chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị sản xuất/ha đã đạt 502 triệu đồng trong năm 2018 (tăng 11,5% so cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp nói chung của thành phố gần gấp đôi bình quân cả nước, với GRDP của thành phố tăng 6,2%.

18/01/2019 | Đăng bởi: Huỳnh Phúc Hậu

Giá dừa khô nguyên liệu xuống thấp kỷ lục, 1.500 trái dừa chỉ bán được 3 triệu đồng

Giá dừa xuống thấp từ 20.000 – 25.000 đồng/chục (12 trái) làm cho người dân kém vui khi Tết Nguyên đán đã gần kề.

16/01/2019 | Đăng bởi: Lệ Chi

Người Việt thích mua sắm online nhưng trả bằng tiền mặt

Có đến 80% người Việt Nam thích mua hàng trực tuyến nhưng chủ yếu lại thanh toán tiền mặt.