Người Việt thích mua sắm online nhưng trả bằng tiền mặt

Người Việt thích mua sắm online nhưng trả bằng tiền mặt

16/01/2019 | Tác giả: Lệ Chi


Có đến 80% người Việt Nam thích mua hàng trực tuyến nhưng chủ yếu lại thanh toán tiền mặt.

Người Việt thích mua sắm online nhưng trả bằng tiền mặt

Tại hội thảo "Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt" ngày 15/1, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết tại Việt Nam, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo khi mua sắm trực tuyến có tới 80% người sử dụng nhưng lại thích trả tiền mặt - trả tiền khi nhận hàng.

Không chỉ Việt Nam, theo Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh, thanh toán tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng các phương tiện thanh toán điện tử, bao gồm cả thanh toán di động. Dẫn nghiên cứu của MasterCard, ông Kim Anh cho biết có tới 85% giao dịch mua bán nhỏ lẻ trên thế giới trong năm 2013 vẫn được tiến hành bằng tiền mặt.

Một khảo sát của hãng tư vấn G4S cũng cho thấy ở châu Âu, vẫn còn tới 60% giao dịch bán lẻ trong năm 2016 được thực hiện với sự hỗ trợ của tiền mặt. Ngoài ra, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 trên thế giới tăng lên 9,6% từ mức 8,1% của năm 2011. 75% trong số 24 nước tham gia khảo sát trên báo cáo rằng tiền mặt được sử dụng nhiều hơn 50% cho các giao dịch thanh toán bán lẻ ở đất nước mình. Chỉ có 2 nước cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong thanh toán tiền mặt là Hàn Quốc và Thụy Điển.

Theo ông Phát, để thay đổi thói quen tiền mặt đã ăn sâu trong người dân cần định hướng của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành. Vai trò của các bên đều rất quan trọng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, kiến tạo các hệ sinh thái cho thanh toán số.

Cùng với đó xây dựng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi, an toàn, xây dựng các chính sách ưu đãi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng cần vai trò tiên phong của các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ công.

"Đến thời điểm này các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng trong việc đa dạng phương thức thanh toán để tăng doanh thu, cũng như đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều rào cản liên quan đến chi phí đầu tư công nghệ, chi phí trả cho ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, thuế...", ông Phát khẳng định.

Thực tế trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng tiền mặt hiện vẫn thống trị trong giao dịch thanh toán tiêu dùng và xã hội phi tiền mặt vẫn là đích hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP. Hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng hoàn thiện. Hiện có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động.

Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS...

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thêm, đến ngày 30/9/2018, cả nước có 18.170 ATM, tăng 4% so với cuối năm 2016); máy chấp nhận thanh toán (POS) là 294.500, tăng 11,8% so với cuối năm 2016, mục tiêu 2020 Việt Nam có 300.000 POS .Số lượng thẻ tăng trưởng mạnh đến nay đạt khoảng 101 triệu thẻ. 

Thực tế, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công hiện có trên 81% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương đương  80% cán bộ, công chức, viên chức nhận lương qua tài khoản ngân hàng. Số lượng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng, đạt gần 75 triệu tài khoản cá nhân, tăng 9,1% so với cuối năm 2016. Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản tại ngân hàng, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin Ngân hàng nhà nước, cho biết nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001, PCI DSS. Số lượng các tổ chức tín dụng đạt các tiêu chuẩn này đã tăng lên hàng năm.

Tính đến tháng 10/2018, đối với chuẩn PCI DSS, theo ông Hùng, trên 60% các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai áp dụng tiêu chuẩn an ninh dữ liệu thẻ PCI DSS, trong đó có 12 tổ chức tín dụng đạt chứng chỉ PCI DSS.

Đối với chuẩn ISO 27001, trên 64% các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai áp dụng, trong đó có 13 tổ chức tín dụng đã lấy chứng chỉ đạt tiêu chuẩn ISO 27001. Đối với các giao dịch điện tử, để đảm bảo an toàn cũng như thuận tiện cho khách hàng, nhiều ngân hàng đã triển khai các giải pháp xác thực mới như xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số trên mobile; thanh toán sử dụng QR code.

Theo Vnexpress


Tags

Chia sẻ trên

15/01/2019 | Đăng bởi: Nhóm PV

Cận cảnh kỹ nghệ sản xuất rượu vang siêu tốc, giá chỉ ngang nước lọc

Trước khi trở thành những ly rượu vang hảo hạng trên những bàn tiệc đón chào năm mới, ít ai có thể hình dung chúng đã được sản xuất với quy trình tối giản và mất vệ sinh như vậy.

16/01/2019 | Đăng bởi: Công Phiên

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp TPHCM

Đô thị hóa luôn là sức ép khi diện tích đất nông nghiệp TPHCM giảm dần qua từng năm, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất trong quá trình chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị sản xuất/ha đã đạt 502 triệu đồng trong năm 2018 (tăng 11,5% so cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp nói chung của thành phố gần gấp đôi bình quân cả nước, với GRDP của thành phố tăng 6,2%.

15/01/2019 | Đăng bởi: Hồng Châu

Trái cây tăng giá trước Tết

Còn hơn hai tuần nữa đến Tết Nguyên đán, nhưng giá các loại trái cây trong mâm ngũ quả đã tăng 5-10%.