Tiêu thụ nông sản

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19: Đổi mới phương thức, mở rộng thị trường

27/07/2021 | Tác giả: Hải Yến


Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội. Để thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên về lâu dài, người nông dân cần điều chỉnh sản xuất theo “tín hiệu” thị trường; đồng thời tăng cường liên kết để tiêu thụ sản phẩm…

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19: Đổi mới phương thức, mở rộng thị trường
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Sơ chế, bảo quản sản phẩm rau để cung cấp cho thị trường tại Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Ảnh: TTXVN

Linh hoạt trong sản xuất, tiêu thụ

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức lại sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường và thay đổi phương thức kinh doanh.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng, hợp tác xã có 26.000m2 chuyên trồng rau thủy canh phục vụ các siêu thị, bếp ăn tập thể (sản lượng 450 tấn rau/tháng). Từ đầu năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hợp tác xã đã thu hẹp diện tích trồng rau, chỉ sản xuất theo các đơn đặt hàng. Cụ thể, 80% diện tích canh tác đã chuyển sang trồng dưa lưới giống Nhật Bản. Linh hoạt trong sản xuất theo “tín hiệu” thị trường nên sản phẩm tiêu thụ mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng rau.

Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh rau củ quả an toàn - du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn vị đã chủ động đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thời điểm hiện tại, đơn vị đã liên kết với 30 hợp tác xã trên địa bàn thành phố để sản xuất các mặt hàng thực phẩm và hợp tác với nhau trong mô hình “chợ thực phẩm di động”, cung cấp sản phẩm đến các chung cư, khu đô thị...

Để tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh lượng khách hàng mua sắm trực tiếp giảm 10% so với các tháng trước, bà Nguyễn Thị Thảo, quản lý cửa hàng thực phẩm Hai Sương (quận Hà Đông) cho biết, cửa hàng đã lập nhóm Zalo với khách hàng thân thiết, hằng ngày đưa thông tin lên nhóm hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến khách hàng để tư vấn sản phẩm... Với cách làm này, sản phẩm của cửa hàng được tiêu thụ ổn định, thậm chí tăng 5% so với trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ tư.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân đã có hướng đi mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng, hợp tác xã đã đẩy mạnh việc lập các nhóm Zalo, Facebook… để xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thu được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay các hợp tác xã, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào đều tăng cao, trong khi giá các loại nông sản, thực phẩm đang có xu hướng giảm mạnh. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, hiện tiền thuê lao động để đóng gói, sơ chế rau rất cao, trong khi lượng tiêu thụ và giá đều giảm. Nếu thời gian tới, tình hình tiêu thụ không cải thiện thì các hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn...

Tăng cường liên kết

Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (huyện Ba Vì) giới thiệu sản phẩm được sản xuất, chế biến an toàn đến khách hàng qua hình thức livestream.

Để khắc phục khó khăn hiện nay, cùng với đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản thì việc các hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh, bên cạnh điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, đơn vị cũng đã có kế hoạch đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) Đỗ Hoàng Thạch cho biết, để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, không chỉ bán hàng trực tiếp hay trực tuyến, các hợp tác xã cần xây dựng quy trình sản xuất khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp phân phối nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ra các tỉnh, thành phố, chuyển hướng kinh doanh sang các kênh thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm", ông Đỗ Hoàng Thạch nói.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng thông tin, huyện sẽ tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn qua 3 cửa hàng tiện ích trên địa bàn; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị…, tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, trước mắt hộ nông dân cần liên kết thành lập các nhóm, từ đó hình thành hợp tác xã, lên kế hoạch tổ chức sản xuất bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ..., có thêm nhiều sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng đơn hàng lớn; đồng thời đa dạng phương thức kinh doanh từ truyền thống tới bán hàng trực tuyến trên chợ thương mại điện tử. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch thành phố Hà Nội triển khai các chương trình liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn cung cao trong mùa vụ.

Việc các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất… chủ động triển khai phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình mới có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, về lâu dài người sản xuất cần nắm chủ động bắt “tín hiệu” để có phương án sản xuất cân bằng cung - cầu theo thị trường.

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/


Chia sẻ trên

27/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Ngăn chặn nông sản kém chất lượng

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng vùng nông nghiệp an toàn để kiểm soát chất lượng nông sản. Tuy nhiên, qua kiểm tra trên thị trường, cơ quan chức năng vẫn phát hiện không ít sản phẩm kém chất lượng. Thực tế này đòi hỏi các địa phương cần quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng bộ tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản.

27/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Khởi nghiệp phân bón mới thu hút thêm 430 triệu USD

Bằng giải pháp chuyển gen vi khuẩn, hãng phân bón Pivot Bio tạo ra nitơ và chứng minh được giá trị trong một nền nông nghiệp vừa giảm chi phí vừa thân thiện môi trường.

26/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Độc đáo với AFarm - mô hình trồng rau hộ ứng dụng công nghệ thông tin

Khách hàng chỉ cần vào ứng dụng (app) “Afarm - Farm on Smartphone” lựa chọn các loại rau có nhu cầu sử dụng, AFarm sẽ trồng những loại rau đó và giao tận nhà cho khách hàng khi rau đủ tuổi thu hoạch. Đây là mô hình khởi nghiệp độc đáo trong lĩnh vực nông nghiệp của một kỹ sư công nghệ thông tin tại TP. Đà Nẵng.