Ngăn chặn nông sản kém chất lượng
27/07/2021 | Tác giả: Hải Yến
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng vùng nông nghiệp an toàn để kiểm soát chất lượng nông sản. Tuy nhiên, qua kiểm tra trên thị trường, cơ quan chức năng vẫn phát hiện không ít sản phẩm kém chất lượng. Thực tế này đòi hỏi các địa phương cần quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng bộ tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản.
Vẫn còn nhiều vi phạm
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện 16/696 mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 2,3%); 5/129 mẫu nhuyễn thể hai mảnh có lượng Cadimi (một kim loại nặng) vượt mức giới hạn (chiếm 3,8%)... Ngành Nông nghiệp cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra 9.799 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp trên địa bàn cả nước, xử lý 778 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, theo Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Phạm Thanh Hương, qua việc lấy mẫu thịt, thủy sản, rau, trái cây từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 12/224 mẫu (chiếm 4,92%) không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã lấy 800 mẫu rau tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn thành phố, phát hiện 21 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và đã xử lý theo quy định.
"Thực trạng này cho thấy, nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản vẫn đáng lo ngại", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp nhìn nhận. Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Như Tiệp, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún trong khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nên việc quản lý an toàn thực phẩm vô cùng khó khăn, phức tạp… Cùng với đó là thực tế các địa phương chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ…; tỷ lệ sản phẩm được truy xuất nguồn gốc chưa cao, chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô, không nhãn mác...
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long nêu thực trạng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, do đó, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào...
Quản lý, giám sát từ sản xuất tới tiêu thụ
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, các cấp, ngành chức năng, địa phương và đơn vị kinh doanh cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là kiểm soát chặt từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Suất ăn công nghiệp Hà Nội Trần Xuân Hòa cho biết, doanh nghiệp sẽ liên kết với các hợp tác xã để giám sát quy trình sản xuất - tiêu thụ nông sản khép kín, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. “Các ngành chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm bán tại chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị…”, ông Trần Xuân Hòa kiến nghị.
Ở góc độ địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc thông tin, trong lĩnh vực chăn nuôi, từ nay đến năm 2025, Quốc Oai xác định khai thác lợi thế trên cơ sở quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư, tập trung quy mô lớn ở các xã: Cấn Hữu, Đông Yên, Phú Mãn, Phú Cát… Huyện sẽ hỗ trợ các vùng chăn nuôi đầu tư cơ sở hạ tầng; liên kết chuỗi, xây dựng thương hiệu để cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường.
Trên quy mô toàn thành phố, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, khu giết mổ tập trung xa khu dân cư để từng bước bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường. Sở NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các địa phương ứng dụng công nghệ cao vào vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung quy mô lớn trên địa bàn thành phố gồm 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 48 khu chăn nuôi tập trung… Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức thanh kiểm tra đột xuất, xử lý kịp thời vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm an toàn đồng thời ngăn chặn nông sản, thực phẩm kém chất lượng, ngoài quan tâm phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, việc quản lý, giám sát phải được thực hiện một cách đồng bộ đối với tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng. Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường…
Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/