Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng dân tộc thiểu số
14/10/2021 | Tác giả: Hải Yến
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn một lần nữa khẳng định vai trò trụ đỡ, là sinh kế của hàng triệu lao động từ các vùng đô thị trở về tránh dịch, ổn định cuộc sống. Nông dân dân tộc thiểu số càng khó khăn hơn. Do đó, cần hợp tác chung tay giúp đỡ cho lực lượng này.
Chiều 13/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban Dân tộc, Chương trình đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025. Buổi lễ có sự tham dự của các đồng chí: Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đại diện lãnh đạo hai ngành.
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đều nhấn mạnh những đóng góp to lớn của lực lượng nông dân Việt Nam nói chung, nông dân dân tộc thiểu số nói riêng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn một lần nữa khẳng định vai trò trụ đỡ, là sinh kế của hàng triệu lao độngtừ các vùng đô thị trở về tránh dịch, ổn định cuộc sống.
Giai cấp nông dân Việt Nam hiện có trên 10,29 triệu hội viên, trong đó có trên 1,8 triệu hội viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ khoảng 17,5% hội viên nông dân toàn quốc. 83% nông dân dân tộc thiểu số sống ở khu vực nông thôn, trùng với địa bàn hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; tỷ lệ nông dân dân tộc thiểu số nghèo chiếm khoảng 35,5%, cao gấp 3 lần bình quân chung của cả nước.
Hai bên nhất trí trong giai đoạn 2021 - 2025, phối hợp tham mưu, xây dựng các chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống... trình Chính phủ phê duyệt, quyết định. Xây dựng các đề án, dự án hoặc trực tiếp thực hiện các dự án trong vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình nông dân và nông thôn vùng dân tộc và miền núi.
Uỷ ban Dân tộc phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân triển khai Đề án “Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, làm cơ sở để vận động hội viên nông dân vùng dân tộc thiểu số tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp; mô hình liên kết hộ, tổ hợp tác... hỗ trợ nhau trong việc phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số để nhân rộng.
Tổ chức tốt việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến những kinh nghiệm sản xuất giỏi vùng đồng bào dân tộc. Tổ chức Hội thảo đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc tại nông thôn vùng dân tộc và miền núi.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xây dựng nông thôn mới, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, “ly nông, bất ly hương”, “làng trong phố, phố trong làng”.
Hai bên thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi để có những ý kiến, đề xuất với Đảng, Chính phủ.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, hai bên chú trọng thực hiện một số dự án, tiểu dự án thiết yếu như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/