Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững
01/10/2021 | Tác giả: Hải Yến
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh được định hướng phát triển không chạy theo số lượng hay diện tích canh tác mà chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo sản phẩm giá trị lớn. Vì vậy, thành phố đã và đang có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững.
Kết quả đáng khích lệ
Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) là một trong những mô hình điểm của địa phương về phát triển nông nghiệp đô thị. Hợp tác xã đang trồng khoảng 800.000 gốc lan Mokara trên diện tích 25ha. Giám đốc Hợp tác xã Đặng Lê Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Chúng tôi áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, kiểm soát được thời điểm thu hoạch. Hoa lan được chăm sóc bằng hệ thống tự động tưới tiêu nước, đặt trong nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ. Với mô hình này hợp tác xã thu lãi 1,3 tỷ đồng/năm”.
Cũng tại huyện Củ Chi, mô hình chăn nuôi bò sữa, nuôi lợn bằng công nghệ cao cũng cho kết quả tích cực. Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 500 con bò sữa được nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao; khoảng 830 hộ chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận VietGAP với 16.000 con bảo đảm chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả cao về kinh tế.
Còn mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc (phường Long Trường, thành phố Thủ Đức) chỉ qua 2 năm hoạt động diện tích canh tác đã tăng từ 1.000m2 lên hơn 7.000m2, cho thu hoạch 800-1.000kg/ngày, với tiêu chuẩn VietGAP. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc Lâm Ngọc Tuấn cho hay: “Quy trình sản xuất rau của chúng tôi theo công nghệ từ Israel, cho ra sản phẩm rau sạch, giá trị cao phục vụ người tiêu dùng”. Anh Trần Văn Sang, xã viên hợp tác xã cho biết, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hợp tác xã vẫn tạo việc làm cho 30 lao động, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Hoàng, dù bị dịch Covid-19 gây khó khăn không nhỏ nhưng ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giúp năng suất lao động nông nghiệp tăng bình quân 21%/năm. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp thành phố giai đoạn 2016-2020 là 5,82%/năm...
Phát triển nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững
Tuy đạt được những thành quả đáng khích lệ, nhưng theo Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp của thành phố chưa tương xứng tiềm năng; chưa có sự gắn kết giữa nhà khoa học với đơn vị sản xuất... Trong khi đó, quỹ đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng bị thu hẹp; thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hoa Xô, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, ưu đãi thu hút nhà đầu tư...
Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp thông tin, thành phố đang tập trung tháo gỡ những khó khăn trên, trước mắt chú trọng phát triển sản xuất giống cây con chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng và năng suất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2021, ngành Nông nghiệp thành phố phấn đấu tăng trưởng 2-2,5%; giá trị sản xuất bình quân đạt 630-650 triệu đồng/ha; có chứng nhận VietGAP cho 76% diện tích trồng rau; 72% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả... Kinh tế nông nghiệp thành phố dần chuyển dịch sang nông nghiệp đô thị, công nghệ cao.
Theo lộ trình đến năm 2030, thành phố phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 75-85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; trên 70% hộ nông dân và hơn 80% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao; trên 30% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao… Đặc biệt, thành phố sẽ nâng cấp, mở rộng và sử dụng hiệu quả 4 khu nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, tại huyện Cần Giờ sẽ phát triển diện tích thả nuôi giống thủy sản nước mặn/lợ có quy mô gần 90ha. Còn huyện Củ Chi phát triển khu trồng trọt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch quy mô hơn 23ha; trồng trọt, thủy sản quy mô 200ha; giống gia súc, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi quy mô 200ha. Song song, thành phố sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Ngành Nông nghiệp thành phố phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 2 đến 2,5 lần so với giai đoạn 2010-2019. Giá trị giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sẽ cao hơn các giống, sản phẩm thông thường 6-8%, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững”.
Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/