Sản xuất công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu: Hướng mới cho nông nghiệp Thủ đô
30/09/2021 | Tác giả: Hải Yến
Nhiều chuyên gia khuyến cáo Hà Nội cần ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trung và dài hạn nhằm thích ứng biến đổi khí hậu phức tạp. Mục tiêu của thành phố từ nay đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt từ 70% trở lên.
Từ giống, công nghệ giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Chương Mỹ xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ (rau, hoa, cây ăn quả...) như: Tưới tự động, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất; chọn tạo được giống năng suất, chất lượng cao, ngày càng được nhân rộng, phát triển.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ, củ, quả... trong nhà màng, nhà lưới theo phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt tiết kiệm... đang dần phổ biến. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết: Hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả.
Ngoài ra, Hợp tác xã đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình... Nhờ sản xuất rau, quả bằng công nghệ cao, mỗi ngày, Hợp tác xã thu gom gần 2 tấn rau quả sạch mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết. Hiện, sản phẩm rau của Hợp tác xã cung cấp cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị, 15 cửa hàng tiện ích theo hợp đồng liên kết với giá bán ổn định.
Còn tại các huyện: Đan Phượng, Ba Vì... những năm qua, nhiều nông dân cũng tích cực đưa các giống mới chất lượng, kết hợp ứng dụng công nghệ vào tổ chức sản xuất, mở hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương. Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) Nguyễn Đắc Thức cho hay, qua nhiều kênh học hỏi, tham quan, tìm kiếm giống cây ăn quả mới thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm ra quả đều trong mọi điều kiện thời tiết, tháng 3-2020, Hợp tác xã đã trồng thử nghiệm 100 gốc nho Hạ đen trên diện tích hơn 700m². Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống mái che bằng nilon, tưới tự động, làm giàn kiên cố bằng cột bê tông... Đến nay, sau hơn một năm "bén duyên" đất Thuần Mỹ, cây nho Hạ đen sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao. Mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 5-6 và tháng 10-11...
... đến "máy bay không người lái" trên đồng ruộng
Đối với cây lúa, một trong những cây trồng có diện tích lớn với gần 160.000ha/năm, việc sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, bảo vệ đất, phòng chống sâu bệnh hại... được các địa phương đặc biệt quan tâm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện đang áp dụng mô hình sử dụng máy bay không người lái trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, sức khỏe và môi trường; đồng thời, tiết kiệm đến 90% lượng nước; tiết kiệm 10-20% lượng thuốc/lần phun; hiệu lực phòng trừ đạt trên 90%; giải quyết hiệu quả việc dập dịch, tiết kiệm thời gian quản lý dịch hại cho nông dân...
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, thời gian qua, công nghệ máy bay không người lái có hệ thống phun tự động, chính xác, đồng đều, bay theo lập trình, ghi nhớ điểm phun, tự động nhận biết lượng thuốc trong bình khi gần hết... đang được các địa phương hưởng ứng và ứng dụng rất nhanh. Máy bay có thể bay đêm, đáp ứng các loại dịch hại hoạt động vào buổi tối và những loại thuốc phải phun lúc trời mát trong mùa nóng. Dịch vụ đáp ứng trên nhiều cây trồng và địa hình khác nhau.
"Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào đồng ruộng, trong đó sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn" – bà Hương khẳng định.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thông tin thêm: Để ứng phó biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng điều kiện thời tiết và canh tác của địa phương. Việc tích cực ứng dụng khoa học, tiến bộ kỹ thuật để thay đổi quy trình sản xuất của Hà Nội đang được kỳ vọng trở thành trung tâm khoa học công nghệ của cả nước trong sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, Hà Nội rà soát, điều chỉnh, ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Thủ đô, đặc biệt là chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành Nông nghiệp đang tăng cường tìm kiếm các loại giống mới thích ứng điều kiện thời tiết kết hợp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/