Phòng ngừa phải giải cứu nông sản mùa Tết

Phòng ngừa phải giải cứu nông sản mùa Tết

19/12/2018 | Tác giả: Thế Vinh


Để ngừa chuyện giải cứu khi vào mùa Tết như những năm trước, đối với ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống như rau củ quả, sản phẩm thịt, thủy hải sản cần được phát tín hiệu thị trường và cam kết sản xuất hàng đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc.

Phòng ngừa phải giải cứu nông sản mùa Tết

Ở thị trường Tp.HCM trong dịp cận Tết sắp tới, lượng nông sản, thực phẩm về các chợ đầu mối nông sản được dự báo sẽ tăng lên tới 15.000 – 16.000 tấn/ngày so với khoảng 9.000 tấn/ ngày vào ngày thường, chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản và các nông sản khác. Còn tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, so với tháng thường, nguồn hàng hóa Tết có thể sẽ tăng 2 – 3 lần.

Bài học thừa ế

Hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ để tránh thừa cung rớt giá

Để cung cấp nguồn rau củ quả Tết cho Tp.HCM, nhiều nhà vườn ở các tỉnh phía Nam chuẩn bị hàng hóa cho mùa Tết từ rất sớm. Ngay từ tháng 9/2018, một số nhà vườn ở tỉnh Lâm Đồng cho biết đã nhận được dự báo tiêu thụ hàng hóa dịp Tết của siêu thị để lên kế hoạch chuẩn bị.

Thông thường, sản lượng rau cho mùa Tết mỗi năm thường tăng 25-30%, một phần do nhu cầu tăng nhưng chủ yếu là nhà vườn phải dự phòng sản lượng để đảm bảo giá không biến động nhiều. Còn các đầu mối bán sỉ tại Tp.HCM ngoài lên kế hoạch sớm rồi báo cho các nhà vườn để vừa đảm bảo được nguồn cung vừa không lo về giá.

Nói như vậy, nhưng tình trạng dội chợ trong mùa Tết vẫn là nỗi ám ảnh lớn đối với nông sản thực phẩm Việt. Như năm ngoái, hoa Tết ế ẩm dội chợ, chất đống chờ xe gom rác ở chợ hoa sỉ Đầm Sen (quận 11, Tp.HCM) đến giờ vẫn là bài học cho các nhà vườn trồng hoa ở Đà Lạt.

Nguyên nhân là do các nhà vườn tại Đà Lạt bị bạn hàng các tỉnh miền Trung, miền Bắc từ chối lấy hàng vì giá cao, khiến nguồn cung bị động ngay từ nhà vườn với số lượng cực lớn.

Hoặc một số loại rau quả hồi trước Tết Nguyên đán năm ngoái như củ cải, cà chua, su hào… ở các tỉnh phía Bắc do không thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp (DN) nên cũng rơi vào cảnh thừa ế, giá thấp, lại thiếu công nghệ bảo quản, chế biến, sau dẫn đến kêu gọi giải cứu.

Để hạn chế việc "giải cứu" nông sản, mới đây, Sở Công Thương Tp.HCM đã đưa ra chủ trương là thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường thành phố. Cụ thể, hệ thống phân phối ở Tp.HCM ký hợp đồng bao tiêu và chỉ tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Động thái này được cho là giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống, đặc biệt là trong mùa Tết, gồm: rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản…

Theo lưu ý của Sở Công Thương, các nhà phân phối sẽ thống nhất phát tín hiệu thị trường, chỉ nhận bán những hàng đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Định hướng này còn nhằm giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất – nhà phân phối và người tiêu dùng, qua đó kết nối các địa phương.

Phải thông tin hai chiều

Trong vấn đề chuẩn hóa nông sản có lẽ cũng nên nhìn lại bài học của trái thanh long vừa qua để không lặp lại trong mùa Tết. Đó việc thanh long bị rớt giá hồi tháng 10 chỉ còn 1.500 – 2.000 đồng/kg đều là hàng sản xuất theo phương thức truyền thống, thiếu các tiêu chuẩn sạch. Trong khi đó, trên thị trường nội địa, trái thanh long sạch, an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP luôn bán được với giá cao.

Như chia sẻ của một thành viên của HTX Thanh long sản xuất theo quy trình GlobalGAP ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), trong khi nhiều nhà vườn bên cạnh phải chặt bỏ trái vì không ai mua, hơn 3.000 trụ thanh long của gia đình thành viên này sản xuất theo quy trình GlobalGAP vẫn bán được với giá cao.

Hoặc có thể lấy thêm trường hợp rớt giá vào thời điểm cuối năm như hiện nay khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Do điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng trái cây có múi đều tăng so với năm trước.

Đơn cử như giá bưởi da xanh được cho là giảm mạnh hơn 50% so với hai tháng trước đó. Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi loại 1 có giá 32.000 – 35.000 đồng/kg, loại 2 giá 20.000 – 23.000 đồng/kg.

Bưởi da xanh giảm giá một phần do chất lượng trái không đạt, không đủ tiêu chuẩn nên thị trường Trung Quốc không tiếp nhận xuất theo chính ngạch.

Ngay cả cam và quýt cũng đang ở mức giá thấp, chỉ 3.000 – 4.000 đồng/kg nhưng ít thương lái tìm mua. Qua tìm hiểu được biết vì muốn thu lợi nhuận nhanh, nông dân trồng cam chỉ hơn một năm là đã ép cho trái, khiến chất lượng quả không đạt.

Giới chuyên gia cho rằng nếu muốn nông sản trong mùa Tết có giá cả ổn định phải có thông tin hai chiều. Nông dân sản xuất theo số lượng dự báo của các nhà phân phối, chẳng hạn loại rau quả gì, sản lượng bao nhiêu… Còn bản thân các nhà vườn cũng phải liên kết để đảm bảo không cạnh tranh nhau theo kiểu mạnh ai nấy làm, dẫn đến thừa cung rớt giá.

Điều quan trọng là phải đạt chuẩn sạch. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn 86% người tiêu dùng Hà Nội và Tp.HCM sẵn sàng chi cao hơn để có nông sản thực phẩm sạch, nhất là nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên, hữu cơ (organic) ngày càng cao.

Theo TBKD


Tags

Chia sẻ trên

19/12/2018 | Đăng bởi: Quang Huy

Xu hướng bỏ thành thị về mưu sinh tại nông thôn Trung Quốc

Ở Trung Quốc đang rộ lên xu hướng rời bỏ đô thị để trở về nông thôn lập nghiệp – xu hướng được gọi là “đô thị hóa ngược”.

19/12/2018 | Đăng bởi: Xuân Ngọc

Lò mổ đồng loạt đóng cửa phản đối công ty giao heo mỡ

Cho rằng công ty giao heo có trọng lượng lớn, mỡ nhiều gây thua lỗ, gần 20 lò giết mổ ở Nha Trang (Khánh Hòa) đóng cửa để phản ứng.

18/12/2018 | Đăng bởi: Duyên Duyên

Niềm tin người tiêu dùng Việt đạt mức cao kỷ lục trong thập kỷ qua

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong niềm tin của người tiêu dùng Việt đến từ sự lạc quan khả năng tài chính cá nhân và mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt.