Phát triển bền vững đất “chín rồng”
01/09/2021 | Tác giả: Hải Yến
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, hơn 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước. Mặc dù là “trụ cột” của nền nông nghiệp nhưng nơi đây đang đứng trước nhiều thách thức liên quan đến vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vi phạm quy định vùng trồng…
Thời gian qua, nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL đã lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, sản xuất, gây ô nhiễm môi trường.
Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho biết, tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ sử dụng trung bình là 754 kg/ha đất gieo trồng, cao hơn 35,3% so với trung bình cả nước. Cá biệt, như tỉnh Bến Tre sử dụng phân bón vô cơ gấp gần bốn lần so với trung bình cả nước. Giống như phân bón, thuốc BVTV cũng bị lạm dụng. Lượng thuốc BVTV thành phẩm sử dụng năm 2020 ở ĐBSCL là 28.520 tấn, chiếm 54,94% tổng lượng thuốc BVTV sử dụng của cả nước. Trung bình người dân sử dụng 6,27 kg/ha gieo trồng, cao hơn so với trung bình cả nước khoảng 64,56%. Tính riêng thuốc BVTV hóa học, lượng sử dụng tại khu vực đang cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%. Trong đó phải kể đến Tiền Giang, Đồng Tháp có mức sử dụng thuốc BVTV hóa học gấp xấp xỉ ba lần so với trung bình cả nước.
Theo Cục BVTV, người dân ở vùng ĐBSCL phần lớn đang canh tác theo truyền thống, chưa cập nhật và chưa được tập huấn bài bản các kiến thức, kỹ năng sử dụng thuốc BVTV, phân bón đúng cách. Người dân quan tâm đến sản lượng chứ chưa thực sự chú trọng đến các yếu tố chung quanh. Bên cạnh đó, nhận thức và trách nhiệm của cơ sở buôn bán phân bón, thuốc BVTV còn hạn chế, bị chi phối nhiều bởi các công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Họ không được cập nhật thường xuyên các quy định, hướng dẫn về quản lý sử dụng thuốc BVTV và phân bón; hầu như chỉ được tập huấn một lần để phục vụ việc cấp giấy đủ điều kiện buôn bán. Điều này đã dẫn tới việc người buôn bán, vì lợi nhuận và nhận thức chưa đầy đủ, đã tư vấn cho người nông dân sử dụng thuốc không đúng. Hệ lụy của việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch, để lại dư lượng chất độc hại trên nông sản, làm tăng giá thành sản phẩm từ đó làm giảm thu nhập của người nông dân.
Hiện nay, ĐBSCL có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất (1.258 mã), chiếm gần 36,84% tổng mã số đã cấp trên toàn quốc. Toàn bộ các mã này đều được cấp cho cây ăn quả. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Tiền Giang có 257 mã, tiếp đến là Đồng Tháp 225 mã và Long An 182 mã. Sản phẩm chủ lực của các tỉnh này là thanh long, xoài, mít, nhãn và dưa hấu. Tương tự như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu. Đến nay, Cục BVTV đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu. Tại khu vực ĐBSCL, chỉ riêng hai tỉnh Tiền Giang và Long An đã có 862 cơ sở đóng gói, chiếm tới 91,7% tổng số của toàn vùng.
Mặc dù là khu vực được cấp mã số vùng trồng lớn nhất, tập trung nhiều cơ sở đóng gói nông sản nhất cả nước nhưng các tỉnh, thành phố ĐBSCL chưa tận dụng được lợi thế, ngược lại, còn để xảy ra nhiều vi phạm. Đơn cử năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng nhập khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật. Trong số này, Tiền Giang là tỉnh có số mã vi phạm lớn nhất (15 mã số vùng trồng và nhà đóng gói), tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mã). Sự việc này là lời cảnh báo cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu chưa được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết, ở nhiều địa phương, một số cơ sở đóng gói sử dụng mã số vùng trồng nhưng thực tế không thu mua tại vùng trồng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng pha lẫn sản phẩm sản xuất bên ngoài vùng trồng với sản phẩm trong vùng được cấp mã số sản xuất.
Trong khi nhiều địa phương đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng thì vẫn còn một số tỉnh chưa chú trọng, còn thờ ơ. Đơn cử như Cà Mau, Trà Vinh mỗi tỉnh có một nhà đóng gói, Kiên Giang và Sóc Trăng chưa có nhà đóng gói nào được cấp mã số. Cục BVTV cho biết, hiện nay, đa số các tỉnh chưa có các chương trình, kế hoạch cụ thể về quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của địa phương; chưa lồng ghép nội dung này trong các hoạt động. Nhiều tỉnh trong khu vực thiếu quan tâm đến việc tổ chức các lớp tập huấn về thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng liên quan như Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ…
Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong những năm qua, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nền nông nghiệp ĐBSCL đã có sự chuyển động, góp phần quan trọng vào kỳ tích xuất khẩu nông sản của đất nước. Tuy nhiên, từ những thành công đó chúng ta cũng phải nhìn nhận lại ĐBSCL đã phải đánh đổi những thứ gì để có được thành tựu. Có những chi phí đong đo, cân đếm được như phân bón, thuốc BVTV, nhưng có nhiều yếu tố khó nhìn nhận ra hơn như những tác động tiêu cực tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, sức khỏe của người nông dân… ĐBSCL là vùng sản xuất hàng hóa lớn, đi liền với đó là tư duy về sản lượng. Chính vì điều này mà cả hệ thống chính quyền, ngành nông nghiệp, người dân ở ĐBSCL đã nghĩ để tăng trưởng nông nghiệp chỉ cần sản lượng cao, từ đó thu nhập của người dân sẽ tăng lên. Tuy nhiên, còn có tham số khác để quyết định tới thu nhập của người nông dân, đó là chi phí đầu vào, giá trị chất lượng nông sản, giá đầu ra của sản phẩm. Ngành nông nghiệp đang nợ ĐBSCL bốn chữ “Phát triển bền vững”. Đã đến lúc phải trả lại cho ĐBSCL hệ sinh thái, đa dạng sinh học, sự phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay, chưa có sự gắn kết trong liên minh phát triển ĐBSCL. Do vậy, tất cả các bên liên quan phải cùng lắng nghe, chia sẻ đánh giá các yếu tố từ thuận lợi, rủi ro, khó khăn để cùng nhau tháo gỡ, phát huy tiềm năng thật sự của ĐBSCL. Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông phải tạo thành tam giác gắn bó, khăng khít. Người đứng đầu ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL phải gần gũi, lặn lội cùng với người nông dân. Doanh nghiệp là người dẫn dắt đưa ra mô hình nhưng người nông dân lại là người quyết định thành công. Nếu người nông dân không hợp tác, không thay đổi tư duy sản xuất thì sự vào cuộc của ngành chức năng, doanh nghiệp khó có thể đạt được kết quả.
Thời gian tới đây, để có những chuyển biến thực sự tích cực, mạnh mẽ trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV và thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói ở khu vực ĐBSCL, ngành nông nghiệp sẽ tập trung nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý địa phương hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, tổ chức sản xuất chủ động theo định hướng thị trường. Trong đó, quan tâm tới bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, trong đó chú trọng đến xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm, xây dựng các ứng dụng số nhằm hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Huy động nguồn lực để triển khai các mô hình sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, an toàn và hiệu quả, kết hợp với hoạt động tập huấn, truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho người dân...
Nguồn: https://nhandan.vn/