Mở ra không gian mới cho sản xuất và tiêu thụ nông sản
01/09/2021 | Tác giả: Hải Yến
Thiếu sự kết nối thông tin là điểm yếu bấy lâu nay của thương mại nông sản. Một không gian mới quy tụ thông tin từ người sản xuất, kinh doanh, chuyên gia và cả những nhà đầu tư, để mọi người có thể tìm hiểu thị trường nông nghiệp Việt, đã được Bộ NN&PTNT mở ra ngay giữa đại dịch COVID-19.
Từ sáng kiến trong mùa dịch tạo ra một diễn đàn kết nối lớn
Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT vừa được thành lập sáng nay (31/8) được hình thành từ ý tưởng của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ (Tổ 970). Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập, Tổ 970 đã kết nối được 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến, với khoảng 10 nhóm ngành.
Đầu cung ứng cho Tổ 970 rất đa dạng. Trang web đặt hàng của Tổ (https://htx.cooplink.com.vn/) có khoảng 2.800 lượt đăng ký, trong đó 70% đăng ký bán, còn lại là mua và 7% là cơ quan Nhà nước.
TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II), thành viên Tổ 970 cho biết, gói combo nông sản 10 kg/túi - sáng kiến của Tổ 970, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của thị trường. Trong 2 tuần đầu triển khai, hàng trăm nghìn gói được đặt. Lượng nông sản bà con đặt trung bình một ngày là 300-400 tấn. Khi cao điểm, có tới 55.000 lượt đặt hàng chỉ trong 10 phút.
Tổ 970 đã ký 4 hợp đồng với các đơn vị, đó là Tập đoàn Central Retail, chợ đầu mối Thủ Đức, Sài Gòn Co.op và Công ty Viettravel. Trước đó, Central Retail đã liên kết với Tổ 970 và cam kết tiêu thụ 10.000 combo nông sản 10 kg. Ngoài 4 hợp đồng này, một số đơn vị như Lazada, Chợ Tốt đã liên hệ với Tổ 970 cam kết đóng góp nền tảng số, công nghệ cho các HTX, doanh nghiệp, giúp người bán đăng ký các kho hàng để đưa nông sản từ HTX về TPHCM.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op đánh giá cao sáng kiến thành lập diễn đàn. Thông qua Tổ 970, Saigon Co.op đã tiếp xúc được với 47 điểm cầu, 1.344 điểm kết nối, thu mua hàng nghìn tấn nông sản. Trong thời gian tới, sàn Saigon Co.op sẽ tăng cường kết nối với nguồn nông sản của từng địa phương.
“Sàn Saigon Co.op đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này. Nghĩa là chúng ta phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói. Chúng tôi mong muốn các đầu mối của Tổ 970 truyền tải thông tin này. Bây giờ không phải là lúc chúng ta hoảng sợ trước dịch bệnh, mà là phát triển đi lên”, ông Đức cho biết.
Còn ông Hoàng Văn Duy, Tổng Giám đốc Mekong Sea Food Group cho biết, công ty có 4 đơn vị thành viên ở Việt Nam và Singapore, chuyên phân phối nông lâm, thủy hải sản đi 80 thị trường trên thế giới. Riêng về thủy hải sản, công ty đang có nhu cầu khoảng 1.500 tấn sản phẩm tươi, 3.000 tấn chế biến mỗi tháng. Những sản phẩm công ty có nhu cầu thu mua lớn là đùi ếch, cá rô phi, tôm và cá tra.
“Sau khi tham gia diễn đàn và được Tổ 970 hỗ trợ, công ty đã kết nối với nhiều HTX, sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố đang có nguồn cung dồi dào về những sản phẩm chúng tôi cần”, ông Duy chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Duy cho biết thêm, thông qua liên kết với Tổ 970, công ty đã chốt được khoảng 300 tấn thực phẩm. Ông Duy đề nghị đẩy mạnh diễn đàn kết nối và tiêu thụ nông sản, tạo thông tin thông suốt giữa cung-cầu, nhằm giúp những đơn vị có nhu cầu lớn sớm chốt đơn, đồng thời minh bạch đơn giá, tăng tính cạnh tranh và giảm những liên kết nhỏ lẻ với từng HTX, đơn vị sản xuất.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT: “Trong phạm vi trách nhiệm, khả năng của địa phương, chúng tôi vẫn đang gắng hết mình. Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người dân thông qua doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ, thì họ sẽ duy trì kết nối được với nông dân, tránh gãy đổ chuỗi sản xuất”.
Ông Trần Minh Hải cũng kiến nghị, để diễn đàn ngày càng mở rộng, các nhà bán lẻ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần mạnh dạn liên kết với Tổ 970. Tổ cam kết sẵn sàng cung cấp mọi thông tin người mua, người bán, cả về đơn vị vận chuyển, logistics, lẫn hỗ trợ thủ tục ký hợp đồng trực tiếp: “Chúng tôi đang thí điểm chương trình sản xuất nông nghiệp tốt cho người mua, dựa trên ghi chép nhật ký điện tử sản xuất. Từ đó, giao cho các siêu thị lớn, giúp bên mua có thể nắm rõ quy trình sản xuất, và lấy cơ sở để xây dựng mã số vùng trồng”.
Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản không đơn thuần là giúp doanh nghiệp tìm được nguồn hàng, mà còn giúp các cơ quan Nhà nước thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo điều hành từ địa phương cho đến cả nước. Trên cơ sở ấy, ngành nông nghiệp sẽ có những việc làm sát ruộng vườn của bà con, sát với đời sống xã hội nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, cùng với việc ra đời Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản hôm nay, chúng ta cần bắt tay sớm vào công việc.
Thứ nhất, chúng ta cần một suy nghĩ, một hành động khác để tạo ra một kết quả khác. Trong hôm nay, kết quả ấy hội tụ vào việc tạo ra diễn đàn này. Đó là một giá trị lớn, khác hẳn với các sàn thương mại điện tử hiện có.
Thứ hai, thông qua diễn đàn, chúng ta sẽ hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp. Mọi thành viên phải quần tụ, để bổ sung sức mạnh lẫn nhau, cùng chung tay về nông sản, nông dân Việt. “Tôi tin, không có gì chúng ta không làm được, nếu có một sản phẩm đảm bảo từ chất lượng, giới thiệu đến quảng bá hình ảnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba, kích hoạt tư duy của tam giác phát triển: Nhà nước-thị trường-xã hội. Trong đó, cơ quan quản lý, các ngành hàng và người nông dân sẽ là chỗ dựa, giúp kết nối phát triển nền nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, chỉ khi nào chuyển biến triệt để tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị giá tăng: “Một suy nghĩ nữa cần thay đổi, là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh đứt gãy hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao. Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh. Cùng với đó cần tích hợp thêm giá trị vào nông sản Việt, vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Chúng ta cần chuyển từ nông sản hữu hình, đến các giá trị vô hình, như văn hóa, lịch sử, hay những câu chuyện kể về nông sản. Lấy đó làm những động lực mới, tư tưởng mới cho người nông dân”.
Với việc kết nối này, tư lệnh của ngành nông nghiệp bày tỏ mong muốn sẽ tạo thị trường thông suốt từ Bắc đến Nam, tạo thuận lợi luân chuyển vùng miền, trải rộng vùng không gian phát triển và kích hoạt dòng chảy nông sản, tạo ra cú hích cho những sản phẩm chất lượng như OCOP.
"Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người. Chúng ta cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt. Đó là giá trị chiều sâu của Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản này, cũng là phương hướng chúng ta phải đi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nguồn: http://baochinhphu.vn/