Phân bón giá cao do khâu… khảo nghiệm
21/09/2018 | Tác giả: Admin
Đó là bức xúc của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phân bón và đề xuất ban soạn thảo dự thảo Luật Trồng trọt bỏ đi công đoạn khảo nghiệm phân bón.
Do phải qua nhiều công đoạn như quy trình khảo nghiệm, xin giấy phép, hợp đồng, hội đồng xét duyệt của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), đăng ký sản phẩm lưu hành, thuê đơn vị chứng nhận hợp quy, rồi đưa hồ sơ lên sở NN-PTNT địa phương xin công bố hợp quy… mất nhiều thời gian, công sức.
Công thức phổ biến, vẫn phải khảo nghiệm
Ông Trần Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Hà Lan, đề nghị bỏ việc khảo nghiệm trên phân bón. “Hiện nay, nhiều nước không có quy trình khảo nghiệm phân bón đang lưu hành, chỉ khảo nghiệm đối với công thức cho ra sản phẩm mới. Ở Việt Nam, cũng một công thức chế tạo phân bón đã được lưu hành, nhưng DN mới thành lập hoặc chưa có sản phẩm đó thì buộc vẫn phải qua khâu khảo nghiệm. Ngay cả công thức quốc tế, nhiều nước không khảo nghiệm, còn ở Việt Nam vẫn khảo nghiệm. Một DN trung bình có 30 - 50 sản phẩm, khâu khảo nghiệm tốn khoảng 3 tỷ đồng/sản phẩm và 1 năm xin giấy phép lưu hành. Cho nên, DN buộc phải bán phân bón giá cao và nông dân gánh chịu chi phí này. Ngoài ra, giấy phép kinh doanh cần cấp vĩnh viễn thay vì có thời hạn…”, ông Trần Dũng cho hay.
Khảo nghiệm làm kéo thời gian dài, gánh nặng chi phí nhưng kết quả không thay đổi
Ông Nguyễn Văn Hào, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón - Hóa chất Cần Thơ, góp ý DN làm đề tài phân vô cơ với Viện Lúa ĐBSCL và Trung tâm Giống cây trồng Cần Thơ tốn vài tỷ đồng nhưng lại không được lưu hành vì đơn vị nghiên cứu không có quyền chứng nhận.
Trong khi đó, nhiều nông dân mua phân đơn về trộn thành phân bón vô cơ sử dụng gây ô nhiễm môi trường, nhưng trong dự thảo luật vẫn chưa quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, giấy phép kinh doanh sản phẩm hết hạn, cần phải liên hệ với cơ quan quản lý nào để được cấp lại; cơ quan nào cấp tiêu chuẩn chất lượng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để DN xin phép...
Theo một DN (xin giấu tên), việc thực hiện khảo nghiệm trên nhiều cây trồng thì DN cũng chỉ đối phó cho đủ thời gian như khảo nghiệm trên các loại cây dễ sinh sống, khí hậu thuận lợi để hoàn thành khảo nghiệm.
Để khảo nghiệm, DN phải đầu tư hoặc thuê nhân lực, thiết bị, đơn vị nhà nước đứng ra giám sát…, điều này dễ nảy sinh tiêu cực. Khảo nghiệm chỉ kềm hãm sự phát triển của các DN và hạn chế sản phẩm ra thị trường.
Chuyển sang quản lý hậu kiểm
Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, bày tỏ vấn đề khảo nghiệm đã góp ý nên bỏ nhiều lần nhưng không được. Thay vào đó, nhà nước chỉ cần quản lý chặt nhãn mác, bao bì để tránh gian lận thương mại.
Dù mỗi DN đầu tư công nghệ khảo nghiệm khác nhau, nhưng với một công thức chế tạo thì phân bón giống nhau, việc này làm tăng giá thành sản phẩm rất vô lý.
“Quy định sản xuất trong nước chặt chẽ nhưng nhập khẩu thì quá dễ dàng nên nhiều DN đã chuyển sang thương mại. Bản thân tôi từng lãnh đạo một DN phân bón. Trước kia muốn xuất khẩu sản phẩm vào Thái Lan hay Campuchia phải mất hơn 3 năm mới có giấy phép. Do đó, cần cân nhắc khi Luật Trồng trọt ra đời phải đạt 2 mục đích là bảo vệ nông dân và nhà sản xuất”, ông Lê Quốc Phong đề nghị.
Chuyên gia Lê Xuân Đính cho hay, DN nhỏ và vừa là “nạn nhân” của việc khảo nghiệm phân bón. Quy định khảo nghiệm bao nhiêu năm nhưng vẫn không ngăn chặn được nạn hàng giả, hàng gian. Khảo nghiệm còn sinh ra nhiều tiêu cực, tạo ra nhiều công việc vô nghĩa (hội đồng giáo sư, trung tâm…) nhưng số liệu làm ra chưa chắc là thật.
Hiện nhiều nước đã bỏ khâu khảo nghiệm, thay vào đó là quản lý chặt về hậu kiểm, nhưng ở nước ta lại làm ngược. Nếu phân giả, dỏm thì phạt nặng, cấm sản xuất và lưu hành. Vai trò nhà quản lý phải tạo sân chơi bình đẳng, tạo điều kiện cho DN vươn lên mới có sản phẩm tốt.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Trường cho rằng, khảo nghiệm cần xem xét lại, phải tương thích quy định phân bón thế giới như các nước Mỹ, EU, Thái Lan, Italia… không còn quy định khảo nghiệm phân bón. Điển hình, Thái Lan chỉ cần có một đại hội đồng (gồm nông dân, Liên minh Hợp tác xã, ngành công thương) cùng xem xét công nhận sản phẩm.
Hay cách làm mới như nhiều nước đang thực hiện là ngay tại trang trại luôn có nhà khoa học theo dõi, giám sát bón phân tại ruộng, từ đó rút ra kinh nghiệm thực tiễn. Tốt nhất là quản lý hậu kiểm cực do nhiều DN sản xuất trang bị thiết bị máy móc hiện đại.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, khâu kiểm tra vật tư rất quan trọng. Sản phẩm càng chất lượng tốt thì DN phải chú trọng khâu nghiên cứu, khảo nghiệm trước khi ra thị trường.
Hiện nay, phân bón nhập khẩu đều phải khảo nghiệm để bảo vệ sản xuất trong nước. Giấy phép lưu hành có thời hạn 5 năm là đúng, bởi quãng thời gian này đã thay đổi công nghệ, dạng sản phẩm, điều kiện khí hậu thay đổi… nên phải điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
Theo SGGP