Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Nữ nông dân hưởng lợi nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

06/09/2021 | Tác giả: Hải Yến


Việc áp dụng công nghệ, các giải pháp thông minh vào sản xuất nông nghiệp góp phần giải phóng sức lao động cho các nữ nông dân vùng cao, giúp họ có nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội.

Nữ nông dân hưởng lợi nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Nữ nông dân hưởng lợi nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp là nguồn sinh kế chủ yếu của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn miền núi. Đây là một khu vực mà phụ nữ đóng vai trò quan trọng, từ khâu trồng đến thu hoạch. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, các hộ nông dân có thể tăng thu nhập từ các loại cây trồng chủ lực như rau, quế, gai xanh…

Ứng dụng di động giúp canh tác dễ dàng hơn

Dọn cỏ, chăm sóc cho đồi quế là công việc hàng ngày của chị Đặng Thị Diện, 30 tuổi, người dân tộc Dao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Những lúc nghỉ ngơi, thay vì lướt mạng để đọc tin tức hay xem phim, chị Diện mở ứng dụng "Nhật ký điện tử QGS" được cài đặt trên điện thoại để cập nhật những công việc chị vừa làm hôm nay dưới dạng nhật ký vào trang tài khoản của mình.

Chị Đặng Thị Diện làm việc tại rừng quế

"Ứng dụng này dễ sử dụng vì có nhiều hình ảnh để lựa chọn hơn là chỉ có chữ. Với ứng dụng, tôi chỉ cần cập nhật tình hình cây quế của mình. Nếu cây bị bệnh, chúng tôi có thể chụp ảnh, cập nhật vào sổ nhật ký và nhờ nhân viên kỹ thuật hỗ trợ xử lý sâu" chị Diện cho biết.

Ứng dụng "Nhật ký điện tử QGS" mới đây đã được phổ biến tới hơn 700 hộ gia đình ở hai xã Nậm Tha và Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đang tham gia dự án trồng quế hữu cơ với tổng diện tích hơn 1.250ha do Công ty Cổ phần Vina Samex thực hiện. Đây là hoạt động thuộc Dự án thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch do chính phủ Australia hỗ trợ.

Chị Diện chia sẻ gia đình chị đã tham gia dự án trồng quế hữu cơ cách đây hai năm. Trồng quế theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động hơn như làm cỏ, bắt sâu, và phải làm bằng tay chứ không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Những cây quế được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ sẽ phát triển tốt hơn so với những cây được trồng bằng hóa chất. 

Với việc ứng dụng nhật ký điện tử vào trong quá trình trồng, chăm sóc cây quế, các chuyên gia có thể thu thập thông tin từ xa của những hộ gia đình tham gia dự án như chị Diện và tư vấn, xử lý kịp thời. Nhờ vậy, những áp lực trong quá trình sản xuất nông nghiệp của người nông dân cũng được giảm bớt.

Ứng dụng "Nhật ký điện tử QGS" đã được phổ biến tới hơn 700 hộ gia đình tham gia dự án trồng quế hữu cơ

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng phòng dự án, Công ty Vina Samex cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn khác nhau về trồng quế hữu cơ, về cách sử dụng nhật ký điện tử cũng như nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho chị em phụ nữ tham gia dự án. Sản phẩm quế của địa phương đã được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; cộng thêm việc ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất, nên có thị trường đầu ra ổn định, giúp đảm bảo thu nhập cho người dân bản địa.

Công nghệ giúp thúc đẩy bình đẳng giới

Từ năm 2019, Dự án thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch đã hỗ trợ hơn 20 doanh nghiệp và hợp tác xã kết nối với phụ nữ và các hộ nông dân tại tỉnh Lào Cai để ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Các giải pháp từ ứng dụng trên điện thoại di động, nhà sấy năng lượng mặt trời, nhà màng công nghệ cao đến công nghệ kết nối vạn vật đã giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm.

Việc áp dụng công nghệ cao cũng góp phần giải phóng sức lao động cho phụ nữ, giúp họ có nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội.

Nhà sấy năng lượng mặt trời giúp giải phóng sức lao động cho các nữ nông dân vùng cao

Chị Nguyễn Thị Hoa, tổ trưởng sản xuất nhà sấy tại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thủy Sơn (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: "Nhà sấy năng lượng mặt trời đảm bảo sạch sẽ cho sản phẩm, không có côn trùng hay tạp chất. Sản phẩm ăn ngon, ngọt hơn. Tuy sấy năng lượng mặt trời có mất nhiều thời gian hơn sấy than nhưng sức khỏe của công nhân được đảm bảo và cũng an toàn hơn cho môi trường."

Nông nghiệp là nền tảng trong cuộc sống của các cộng đồng ở Tây Bắc Việt Nam và là ngành cung cấp nguồn thu nhập quan trọng. Tiếp cận ứng dụng công nghệ đã giúp các nữ nông dân vùng cao có cơ hội cải thiện tài chính gia đình và từng bước thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/


Chia sẻ trên

01/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Các vựa rau an toàn Hà Nội duy trì sản xuất hiệu quả

Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, các vùng rau chuyên canh ở các huyện ngoại thành nói riêng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, các vùng rau an toàn trên địa bàn thành phố vẫn giữ được nhịp điệu, duy trì sản xuất hiệu quả, bảo đảm cung ứng rau an toàn cho Thủ đô trong mọi điều kiện về thời tiết, dịch bệnh…

06/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

TỌA ĐÀM “TÌM GIẢI PHÁP TIÊU THỤ NÔNG SẢN: TRƯỚC MẮT VÀ LÂU DÀI”: Phát triển tam giác nhà nước - thị trường - xã hội

Ngành nông nghiệp sẽ khó phát triển nếu nông dân vẫn mang tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chỉ khi đẩy mạnh liên kết, phát triển tam giác nhà nước - thị trường - xã hội thì ngành nông nghiệp mới bớt rủi ro

01/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Mở ra không gian mới cho sản xuất và tiêu thụ nông sản

Thiếu sự kết nối thông tin là điểm yếu bấy lâu nay của thương mại nông sản. Một không gian mới quy tụ thông tin từ người sản xuất, kinh doanh, chuyên gia và cả những nhà đầu tư, để mọi người có thể tìm hiểu thị trường nông nghiệp Việt, đã được Bộ NN&PTNT mở ra ngay giữa đại dịch COVID-19.