Nông sản Việt khó cạnh tranh ở Trung Quốc vì thiếu thương hiệu
08/01/2019 | Tác giả: Thy Lê
Theo ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông sản cùng loại đến từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu nên rất khó cạnh tranh.
Ông Đào Việt Anh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc
Với vai trò là Tham tán thương mại, ông nhận thấy cơ hội của thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa nông sản Việt Nam như thế nào?
Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu (XK) nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt được nhiều kết quả, nhiều sản phẩm nông sản duy trì kim ngạch XK cao sang thị trường này.
Hơn nữa, XK sang Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi như nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng tốt của Việt Nam được người tiêu dùng đón nhận, đồng thời Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng nên dễ dàng vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, nông sản Việt Nam XK sang Trung Quốc cũng đối mặt không ít khó khăn, trong đó lớn nhất là việc vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nông sản cùng loại đến từ các quốc gia khác.
Trong khi đó, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu lớn tại thị trường Trung Quốc nên rất khó cạnh tranh.
Theo ông, thời gian tới, doanh nghiệp (DN) cần làm gì để xây dựng thương hiệu?
Trước hết, DN Việt Nam cần phải đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc, để xác định sở hữu logo thương hiệu, ngăn chặn đối thủ sao chép, cạnh tranh không lành mạnh.
Thời gian gần đây, nhiều DN XK nông sản Việt Nam đã chú trọng công tác xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải trong việc đăng ký và xây dựng thương hiệu tại Trung Quốc là thiếu thông tin, trợ giúp, tư vấn về pháp lý và thủ tục khi đăng ký thương hiệu.
Ví dụ như mặt hàng gạo, Việt Nam hiện chưa có thương hiệu gạo lớn. Tại các siêu thị lớn của Trung Quốc, nhiều thương hiệu gạo lớn của Thái Lan, Campuchia, Myanmar đã bắt đầu xuất hiện trên các kệ với các loại gạo thơm, giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với gạo thơm của Việt Nam.
Thời gian tới, để xây dựng thương hiệu, các DN cần tăng cường tham gia các hoạt động, hội thảo, hội nghị để Bộ Công Thương chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về xây dựng thương hiệu.
Đồng thời, DN trao đổi với cơ quan đại diện Việt Nam, Thương vụ của Bộ Công Thương tại Trung Quốc để được tư vấn hỗ trợ.
Bên cạnh đó, DN cũng có thể trao đổi, chia sẻ với DN Việt đã xây dựng thành công thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn trong quá trình làm thủ tục đăng ký thương hiệu.
Thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính. Làm thế nào để đẩy mạnh XK nông sản của Việt Nam sang thị trường này, thưa ông?
Đúng như vậy, hiện nay Trung Quốc không còn là thị trường nhập khẩu nông sản dễ tính mà bắt đầu siết chặt hơn các quy định kiểm dịch.
Chẳng hạn từ ngày 15/11, tại khu vực cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn), Trung Quốc yêu cầu hàng hóa trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất… Nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu.
Cụ thể, cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo hiện nay, các DN Việt Nam XK tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký danh sách DN sản xuất với cơ quan hải quan Trung Quốc. Do vậy, bắt đầu từ ngày 15/11, mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan.
Vì vậy, đối với DN XK hàng nông sản, điều đầu tiên là nên tìm hiểu kỹ quy định kiểm dịch hàng hóa, nhập khẩu của phía Trung Quốc.
Tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ thương mại lớn tại Trung Quốc, qua đó tìm kiếm đối tác uy tín, cũng như sở hữu chỗ trưng bày quảng bá hàng hóa Việt Nam.
Để thâm nhập hiệu quả thị trường Trung Quốc, DN cần có đội ngũ nhân viên am hiểu thị trường, văn hóa Trung Quốc, từ đó cập nhật được các xu hướng tiêu dùng của thị trường. Hiện nay, phía Trung Quốc cung cấp đầy đủ các chính sách nhập khẩu hàng hóa trên website của các cơ quan quản lý, DN có thể thông qua đó để lấy thông tin hoặc thông qua Bộ Công Thương để được hỗ trợ.
Đặc biệt, để phòng tránh rủi ro, DN phải tìm được đối tác uy tín, ký kết hợp đồng dài hạn, tránh hoạt động giao dịch manh mún, theo những hình thức gây ra nhiều rủi ro cho DN Việt Nam.
Theo TBKD