Nông nghiệp hiện đại: Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn

Nông nghiệp hiện đại: Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn

21/10/2021 | Tác giả: Hải Yến


Phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

Nông nghiệp hiện đại: Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn

Sáng nay (20/10) tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tham vấn "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025".

Đề án thí điểm tập trung xây dựng đối với các nông sản chủ lực như lúa gạo, trái cây ....được triển khai trên địa bàn thuộc 184 xã, 50 huyện của 11 tỉnh, thành phố gồm: Sơn La, Hoà Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắc Lắc, Kiên Giang, An Giang với tổng diện tích là 158.300 ha. Tổng kinh phí Đề án là hơn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 32%, nguồn vốn của địa phương và các hợp tác xã, doanh nghiệp đối ứng 26,48%, còn lại là vốn tín dụng.

Theo các đại biểu, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, vùng nguyên liệu phải liên kết từ 2 địa phương trở lên.

Đại diện nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động theo chuỗi nông sản cho rằng, đây là động lực để doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm nhiều thị trường đối với các loại nông sản chủ lực của Việt Nam.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu của tỉnh Bến Tre cho biết, thay vì doanh nghiệp phải xây dựng các chi nhánh tại các địa phương để tập kết thu mua nông sản, thông qua đề án đã tăng cường kết nối với các vùng nguyên liệu liên vùng về những sản phẩm chủ lực.

“Doanh nghiệp đang triển khai dự án cánh đồng lớn về lúa gạo, đây sẽ là tiền đề để cho doanh nghiệp mạnh dạn và tự tin tham gia vào những chuỗi hệ thống siêu thị lớn trong nước và quốc tế, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc. Đề nghị cần thành lập Ban chỉ đạo Đề án của các địa phương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp liên hệ và trao đổi thông tin trong quá trình kết nối với vùng nguyên liệu”, bà Vy mong muốn.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nêu rõ, việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ khắc phục được những hạn chế và tồn tại của lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết.

Đồng thời tăng cường gắn kết và tương thích giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng; thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Qua đó, giúp Nhà nước quản lý tốt về quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản và quản lý hiệu quả được nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp.

“Triển khai mô hình điểm, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các địa phương một phần để đảm bảo được hạ tầng vùng sản xuất. Tạo điều kiện về đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu. Cùng với đó là định hướng cùng các đơn vị chuyên môn xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đạt chuẩn. Những vùng nguyên liệu phải đáp ứng yêu cầu liên kết từ 2 tỉnh trở lên để có tạo liên kết vùng và tập trung đồng bộ sự hỗ trợ nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó cũng cần xã hội hóa kêu gọi địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã, kể tham gia”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ.

Nguồn: https://vov.vn/


Chia sẻ trên

21/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Để hợp tác xã là “điểm tựa” của nông dân

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, số lượng HTX nông nghiệp trên cả nước không ngừng tăng nhanh cả về quy mô lẫn chất lượng.

22/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Thái Nguyên: Sản lượng lương thực cây có hạt vượt chỉ tiêu kế hoạch năm

Theo kết quả thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 34.779 tấn, bằng 103,04% kế hoạch năm.

21/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Bảo đảm an toàn lao động trong cơ giới hóa nông nghiệp

Trong những năm gần đây, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở nước ta tăng nhanh chóng. Các chủng loại máy móc mới được đưa vào sản xuất như: máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy bừa, máy đập tách hạt, máy cắt cỏ, máy trộn thức ăn chăn nuôi, máy cọ rửa chuồng trại, máy sục khí trong nuôi trồng thủy sản… Nhờ vậy, nhiều khâu sản xuất đạt mức độ cơ giới hóa cao.