Nông dân Bangladesh làm "cách mạng nông nghiệp" nhờ cây trồng chịu mặn

Nông dân Bangladesh làm "cách mạng nông nghiệp" nhờ cây trồng chịu mặn

27/09/2021 | Tác giả: Hải Yến


Khi mực nước biển dâng cao, người trồng trọt Bangladesh phải áp dụng các phương pháp cải tiến để thích ứng với đất mặn.

Nông dân Bangladesh làm
Nông dân Bangladesh giờ đây có thể trồng các loại cây thích nghi với đất mặn - loại đất ảnh hưởng đến hơn một nửa diện tích ven biển nước này. Ảnh: ICCO.

Giống như hàng triệu người trên khắp đất nước Bangladesh, Anita Bala, 45 tuổi, sống dựa vào một mảnh đất nhỏ để nuôi sống gia đình.

Nhưng trong nhiều năm, không có thứ gì phát triển được. Chồng cô nuôi tôm trong ao mặn nhưng xung quanh đất cằn cỗi. Bala nỗ lực trồng đậu nhưng kết quả là thất bại liên tục. Cuối cùng thì cô cũng bỏ cuộc.

Bala sống tại một ngôi làng ở khu vực duyên hải phía nam của huyện Patuakhali, một khu vực cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và lốc xoáy. Bala găp phải các vấn đề canh tác do độ mặn trong đất tăng lên. Cô không phải ngoại lệ. 

Theo tổ chức phi chính phủ Hà Lan Cordaid, 53% diện tích ven biển Bangladesh bị ảnh hưởng bởi quá trình mặn hóa. Đến năm 2050 , người ta dự đoán rằng cứ 7 người ở nước này thì có 1 người phải di dời do biến đổi khí hậu. Mực nước biển được dự báo sẽ tăng thêm 50cm so với cùng kỳ, dẫn đến làm biến mất khoảng 11% đất đai của Bangladesh.

Cũng như các thảm họa thiên nhiên trầm trọng hơn do tình trạng khẩn cấp về khí hậu, việc nuôi tôm không bền vững là nguyên nhân gây ra vấn đề, gây nguy hiểm cho cuộc sống của những người sống dựa vào nông nghiệp.

Nhưng những người nông dân của Patuakhali đang tìm cách thích nghi. Sau sự dẫn dắt của một nông dân Hà Lan sáng tạo, người đã phát hiện ra rằng một số giống rau quả có thể sinh trưởng - và phát triển mạnh - ở đất mặn, ICCO (nay là một phần của Cordaid) đã bắt đầu giới thiệu cho nông dân trong vùng các loại cây trồng chịu mặn.

Dự án của họ, Salt Solution cho phép 5.000 nông dân quy mô nhỏ, bao gồm cả Bala tiếp cận. Bala cho biết kỹ thuật này đã “tạo ra cuộc cách mạng” làm thay đổi phương thức canh tác của cô. Hạt giống chịu mặn nhập khẩu từ Hà Lan đã được phân phối, thiết lập các mảnh đất thí nghiệm và tập huấn về các phương pháp trồng mới. Những nông dân dẫn đầu trong cộng đồng đã được xác định để giúp truyền bá thông tin.

Khoai tây, cà rốt, bầu bí, củ cải đỏ, cải bắp, rau bina Ấn Độ, rau mùi và nhiều loại khác đã được thu hoạch kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2017. Sáng kiến ​​này mở rộng cho thêm 5.000 nông dân khác tiếp cận vào năm 2024.

Abdul Aziz, 50 tuổi, một nông dân và là một trong những người lãnh đạo cộng đồng của dự án, chỉ tay về phía mảnh đất nông nghiệp của mình ở làng Kumirmara, nơi ông đang thu hoạch những quả bầu và dưa hấu đắng.

“Tôi đã sử dụng những luống cao để gieo hạt. Lên luống cao mang lại nhiều lợi ích - cỏ dại giảm phát triển và rễ cây trồng mọc dễ dàng hơn. Ở giữa, rãnh có thể được sử dụng trồng các loại cây ăn lá dễ phát triển. Và trước khi trồng, chúng tôi kiểm tra độ mặn của đất bằng bộ kiểm tra nhanh”, Aziz nói.

Trước đây, nông dân phải lấy mẫu đất đến phòng thí nghiệm do chính phủ điều hành cách đó nhiều kilomet, vì vậy tổ chức ICCO đã giới thiệu bộ kiểm tra độ mặn cho kết quả trong vài phút và giúp nông dân quyết định trồng loại hạt nào để đạt năng suất tối đa.

“Nông dân sản xuất nhỏ trên khắp thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như vấn đề mặn hóa này. Với hình thức thích ứng với khí hậu này, chúng tôi biến một vấn đề đang nảy sinh thành một giải pháp bền vững. Thay vì chống lại muối trong đất, chúng tôi muốn đất bị nhiễm mặn có thể được sử dụng lại cho nông nghiệp”, Masud Rana, từ bộ phận nông nghiệp của tổ chức ICCO ở Bangladesh cho biết.

Bốn năm kể từ khi bắt đầu dự án, ICCO đã hợp tác với các tổ chức tư nhân và nhà nước để đảm bảo sáng kiến ​​này bền vững lâu dài. Các đối tác bao gồm Đại học Nông nghiệp Bangladesh, đang bổ sung nông nghiệp mặn vào chương trình giảng dạy của mình; và Viện Phát triển Tài nguyên Đất, giúp cung cấp thông tin về chính sách của chính phủ. Công ty hạt giống Bangladesh Lal Teer đang phát triển các loại hạt giống có khả năng thương mại, giá cả phải chăng để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

“Chúng tôi với tư cách là một cơ quan viện trợ có những hạn chế nhất định. Nếu chúng tôi không thể đảm bảo hậu cần, việc đào tạo và các kỹ năng của nông dân sẽ trở nên vô ích”, Rana nói.

Đồng thời, dự án Salt Solution đã giúp cải thiện chế độ ăn uống của hàng nghìn gia đình nông dân, cũng như mang lại nguồn thu nhập thông qua việc bán các loại cây trồng dư thừa.

Bala cho biết: “Số tiền tăng thêm có nghĩa là tôi có thể trang trải cho con trai mình đi học trung học ngay bây giờ".

Nguồn: https://nongnghiep.vn/


Tags

Chia sẻ trên

25/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Cà Mau có điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp xanh

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong khi một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải tìm cách khắc phục hệ trầm tích hàng chục năm bởi phân, thuốc… để đồng, đất canh tác trở nên xanh, sạch thì Cà Mau đang có sẳn điều kiện lý tưởng để thực hiện.

27/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Để logistics trở thành "lực đẩy" kinh tế nông nghiệp

Logistics nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, dịch vụ logistics chưa phát triển tương xứng với tiềm năng để có thể trở thành "lực đẩy" mạnh mẽ cho toàn ngành kinh tế nông nghiệp.

25/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Gỡ khó cho sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đăng ký lên 30%, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học đạt 20%. Hiện tại, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học ở nước ta còn ở mức thấp, mới đạt khoảng hơn 10%. Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, ngành nông nghiệp cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn cả ở hai khâu sản xuất và sử dụng.