Nhiều lợi thế, sản phẩm tre vẫn khó xuất ngoại
15/12/2018 | Tác giả: Thy Lê
Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, Việt Nam có tiềm năng phát triển các sản phẩm mây tre đan, nhưng do chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất nên các doanh nghiệp gần như chủ yếu gia công cho các nhà sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Đình Hải, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, cho biết Thanh Hóa có diện tích tre (luồng, lùng, nứa) lớn nhất cả nước với 152.600ha, chiếm hơn 23,56% tổng diện tích rừng và đất trên địa bàn tỉnh. Do đó, Thanh Hóa có tiềm năng rất lớn để phát triển chuỗi giá trị tre và xem cây luồng là cây chủ lực, cây lùng và nứa là cây lợi thế của tỉnh.
Chưa phát huy được thế mạnh
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Thanh Hóa hiện đang gặp khá nhiều khó khăn, thách thức, như: việc trồng, chăm sóc, khai thác và sử dụng loài cây tre luồng còn nhiều bất cập trồng rừng không tập trung. Các cơ sở chế biến tre luồng trên địa bàn tỉnh nhìn chung quy mô còn nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, nên sản phẩm chủ yếu là sơ chế, sản phẩm thô như bột giấy, tăm, đũa…, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao như tre ép khối, ván sàn… Điều đó dẫn đến giá trị cây luồng hiện nay vẫn còn thấp và chưa tương xứng, phát huy hết tiềm năng.
Tương tự Thanh Hóa, ông Đặng Xuân Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, cho biết theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015, tổng diện tích rừng tre, lùng toàn tỉnh là 44.090,68ha phân bố trên 16 huyện, thị xã.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất liên quan đến lĩnh vực tre, lùng phân bố tại Khu công nghiệp Nam Cấm và trên địa bàn hai huyện Quế Phong, Quỳ Châu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có hai DN sản xuất có quy mô xuất khẩu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Số còn lại chủ yếu là hoạt động đơn lẻ, chế biến sản phẩm thô xuất bán ra thị trường phía Bắc, một phần còn lại chế biến thành các sản phẩm như hàng mây tre đan, làm hương phục vụ nhu cầu trong tỉnh.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Đại diện CTCP BWG Mai Châu chia sẻ hiện nay, khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải là công nghệ chế biến tre chưa hoàn thiện, vừa làm vừa sửa. Trong khi đó, sự quan tâm của Nhà nước với sự phát triển ngành tre chưa có: Ngành tre thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ (Nghị định 210, Nghị định 57) nhưng sau 2 năm DN vẫn không được hỗ trợ.
Về phía DN, nhà máy hiện chưa có đủ các chứng chỉ cần thiết để đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính… Nguồn nguyên liệu (luồng) chưa ổn định, chưa có chuỗi giá trị ngành tre, nên đầu vào không ổn định.
Cùng chung khó khăn về nguồn nguyên liệu, đại diện công ty TNHH Đức Phong (sản xuất các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu) cho biết gần đây, một số thị trường mới như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Chile, Anh… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức mà DN này gặp phải là nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, trong khi giá cả ngày càng cao.
Đặc biệt, Nhà nước chưa có chính sách riêng hỗ trợ cây mây tre, mà vẫn lồng ghép trong các văn bản chính sách nông nghiệp chung.
Theo công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm, các DN chủ yếu vẫn phải tự mò mẫm tiếp cận thị trường, sản phẩm xuất qua trung gian, không đủ điều kiện để tiếp cận các thị trường lớn như EU, Mỹ… do bị các rào cản về kỹ thuật từ các thị trường này.
Về thương hiệu và quảng bá sản phẩm, DN Việt gần như gia công cho các nhà sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài.
Trước thực tế trên, nhiều DN kiến nghị Nhà nước cần có chính sách cho phát triển ngành tre như hỗ trợ thuế VAT 0% như nông sản, dành ngân sách hàng năm cho phát triển ngành tre (hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng đường sá vào khu vực khó khai thác, hỗ trợ DN xây dựng hạ tầng), đồng thời hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, ông Đặng Xuân Minh cho biết để phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị tre tại Việt Nam cần phải thúc đẩy mối liên kết giữa ba nhà: nhà quản lý, nhà DN và nhà nông. Chuỗi giá trị sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đặc biệt là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo TBKD