Nhà vườn Lâm Đồng điêu đứng vì giá rau rẻ

Nhà vườn Lâm Đồng điêu đứng vì giá rau rẻ

17/08/2018 | Tác giả: Admin


Nhà vườn Lâm Đồng điêu đứng vì giá rau rẻ

Suốt từ đầu năm đến nay, giá các loại rau, củ ở Lâm Đồng luôn ở mức thấp, khiến người trồng thua lỗ.

Một vườn bắp sú ở Đà Lạt quá lứa vì không có thương lái thu mua.

Nhà vườn tên Hùng cho biết, sau Tết Nguyên đán, gia đình ông thu hoạch khoai tây và hành tây chính vụ trên diện tích gần 2 ha đạt sản lượng tốt nhưng giá lại quá thấp. Cụ thể, giá hành tây chính vụ bán tại vườn chỉ 3.500 đồng một kg, khoai tây 7.000 đồng, lại rất khó bán vì hiện hai mặt hàng này của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam với giá rẻ.

Sau khi thất bại mùa hành tây, khoai tây, phần lớn nhà vườn tại Lâm Đồng xuống giống bắp sú và cải thảo để đón đầu thị trường xuất khẩu bắt đầu từ tháng 6 đến cuối năm. Thế nhưng bắp sú và cải thảo cũng rẻ từ đầu năm đến nay do thị trường xuất khẩu giảm, trong khi lại bị cạnh tranh gay gắt từ những mặt hàng cùng loại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Lâm, tại TP Đà Lạt cho biết, vừa bán trên 10.000 gốc bắp sú với giá chỉ 2.000 đồng một gốc, nhưng liên lạc với nhiều mối hàng mà không ai tới mua.

Trong khi đó, các thương lái cũng không khá hơn là mấy. Bà Hồng, chuyên thu mua rau củ tại vườn cho biết năm nay lỗ đậm. Trong hai tháng 4 và 5, bà bỏ ra gần 400 triệu đồng để đi mua bắp sú, cải thảo nguyên đám của nhà vườn với giá 3.500 - 4.000 đồng mỗi gốc, nhưng đến khi thu hoạch chỉ lấy lại được nửa vốn vì bắp sú chỉ 1.000 - 1.500 đồng một kg, chưa tính nhân công thu hoạch và bao bì.

Huyện Đơn Dương có diện tích canh tác rau lớn nhất của Lâm Đồng và được coi là thủ phủ cà chua Việt Nam nhưng giá cũng đang rất rẻ, chỉ ở mức 1.500 - 2.000 đồng một kg; hành lá chỉ 2.000 đồng, khiến nhiều nông dân phải phá bỏ vì không đủ chi phí thu hoạch.

Riêng những nông hộ trồng rau có liên kết với các công ty thu mua, phân phối hay hợp tác xã, tổ hợp tác thì giá bán cũng như đầu ra có phần đỡ hơn. Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, rau củ tiêu thụ thông quá chuỗi liên kết tại địa phương hiện chỉ chiếm 8% về sản lượng, tức trên 90% vẫn là tiêu thụ trôi nổi và thường xuyên đối mặt với cảnh bấp bênh của thị trường.

Một công bố mới đây của Bộ Nông nghiệp cho thấy, sản lượng khoai tây của Việt Nam chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước và chỉ  đảm bảo cung ứng trong thời gian từ 5- 6 tháng trong năm. Phần thiếu hụt còn lại phải nhập khẩu.

Theo Vnexpress


Tags

Chia sẻ trên