Nhà đầu tư hứng thú hơn với nông nghiệp hữu cơ
14/01/2019 | Tác giả: Ngọc Ánh - Thanh Nhân
Một số dự án khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ tiềm năng bắt đầu gọi được vốn nhưng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất gian nan
Tuần qua, việc quỹ SWOF (thuộc quỹ đầu tư SEAF của Mỹ) ký kết đầu tư vào Công ty CP Đầu tư Organica (sở hữu chuỗi cửa hàng Organica) được cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ đặc biệt quan tâm.
Thực phẩm hữu cơ phải tuân theo hàng loạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bao gồm không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học
Góp vốn, cam kết hỗ trợ
Không tiết lộ cụ thể số tiền nhưng bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Organica, cho biết SWOF đã mua 30% cổ phần Organica và cam kết một khoản vay dài hạn để công ty có đủ vốn thực hiện kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới. Bà Thảo hy vọng với nguồn lực mới, Organica sẽ phát triển thêm trang trại, mua thêm hàng hóa và khai thác hiệu quả hơn nguồn lực sẵn có. Nhà đầu tư không chỉ rót vốn mà còn hỗ trợ quản trị, phát triển thị trường.
Organica khởi nghiệp từ năm 2013 chỉ với một cửa hàng chuyên doanh thực phẩm hữu cơ rộng 20 m2 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM. Đến nay, Organica đã có 5 cửa hàng tại TP HCM và Đà Nẵng, Hà Nội với 10 trang trại gồm đầu tư trực tiếp và liên kết canh tác rau củ quả có chứng nhận hữu cơ Mỹ, châu Âu (EU) hoặc đang trong quá trình chuyển đổi để lấy chứng nhận. Theo bà Thảo, để phát triển được như ngày nay, Organica đã trải qua nhiều gian khổ vì không tiếp cận được vốn ngân hàng hay tổ chức tín dụng ngoài tiền vay cá nhân.
Dự án sản xuất gạo hữu cơ Hoa Nắng bắt đầu thu được những quả ngọt đầu tiên sau khi nhận đầu tư 10 tỉ đồng từ "cá mập" Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM). Ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng, cho biết vừa xong mùa gặt với sản lượng ước đạt 300 tấn gạo, tăng 50% so với năm ngoái nhờ năng suất tăng và mở rộng diện tích. "Chúng tôi tập trung vào sản xuất và thị trường, không phải lo chạy tiền như trước. Nhà đầu tư không chỉ cung cấp vốn mà còn hỗ trợ quản lý dòng tiền, giới thiệu thêm khách hàng..." - ông Tú tiết lộ.
Vẫn chưa có lãi nhưng dự án sản xuất nông sản hữu cơ kết hợp du lịch của Công ty CP Măng Đen Xanh (Kon Tum) đã gọi vốn được 1,5 tỉ đồng (chiếm 50% cổ phần). Theo ông Võ Lâm Vũ, giám đốc công ty, năm 2019, Măng Đen Xanh sẽ cố gắng lấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và bắt đầu đón khách du lịch. "Chúng tôi cũng kêu gọi các suất đầu tư nhỏ, từ 10 triệu đồng, để nhiều người có thể tham gia. Họ sẽ có sản phẩm hữu cơ từ "vườn nhà" và có điểm du lịch "của mình" - ông Vũ nêu kế hoạch.
Đã "hùn" thì phải "hạp"
Theo ông Tú, tỉ suất lợi nhuận trong đầu tư nông nghiệp thấp hơn các lĩnh vực khác và đòi hỏi dài hạn, với nông nghiệp hữu cơ còn lâu hơn vì phải trải qua quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà đầu tư hứng thú hơn với nông nghiệp hữu cơ. Sự tâm huyết của chủ dự án và tiềm năng của dự án sẽ thu hút được nhà đầu tư.
Từng được biết đến với vai trò tiên phong trong lĩnh vực hữu cơ và khá truân chuyên trong hành trình làm nông nghiệp "sạch", ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú, đúc kết ngắn gọn: Khi nhà đầu tư quyết định góp vốn, nghĩa là hai bên chấp nhận hùn hạp làm ăn. Muốn đôi bên cùng có lợi thì "hùn" phải "hạp", nếu không thì sẽ khó tìm được tiếng nói chung.
"Những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang chịu nhiều rủi ro, thiếu tính ổn định và tích lũy rất thấp. Trong bức tranh chung đó, nông nghiệp hữu cơ là một nhánh nhỏ nhưng khó khăn hơn: muốn làm hữu cơ phải đầu tư lâu dài, điều kiện canh tác đặc thù và chôn vốn nên bất trắc hơn" - ông Khải nêu thực tế.
Ông Khải chỉ ra rằng tổng đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam nói chung chiếm tỉ trọng rất thấp nhưng chủ yếu vào khâu phân phối, logistics. Chỉ những nhà đầu tư có chuyên môn và tâm huyết mới đổ vốn vào nông nghiệp hữu cơ. "Làm nông nghiệp hữu cơ rõ ràng có tiềm năng vì tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên thế giới đã tăng 30%-40%. Vấn đề là nhà đầu tư chọn bỏ tiền vào thu mua, chế biến, phân phối để bảo toàn vốn chứ ít ai muốn "nhảy" vào sản xuất" - ông Khải nhận xét.
Một lý do khác làm hạn chế dòng tiền đổ vào nông nghiệp hữu cơ là đa số nhà sản xuất có quy mô nhỏ, tâm lý cẩn trọng, chấp nhận "chậm mà chắc" hơn là mở cửa gọi vốn và đối diện nguy cơ bị thâu tóm doanh nghiệp. Giám đốc một doanh nghiệp trồng lúa hữu cơ tại ĐBSCL cho biết một số nhà đầu tư đặt vấn đề "bơm" vốn phát triển quy mô nhưng không thành bởi việc đàm phán hợp tác khá phức tạp, hợp đồng có quá nhiều điều khoản bất lợi cho phía nhận đầu tư.
Theo NLĐ