Bổ sung chợ đầu mối

Ngành Nông nghiệp đề xuất bổ sung chợ đầu mối vào diện dịch vụ thiết yếu

23/07/2021 | Tác giả: Hải Yến


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng bổ sung chợ đầu mối vào diện cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách Chỉ thị 16.

Ngành Nông nghiệp đề xuất bổ sung chợ đầu mối vào diện dịch vụ thiết yếu

 

Chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: TL

Sớm mở lại 3 chợ đầu mối lớn nhất ở TP.Hồ Chí Minh

Ngày 21/7/2021, Bộ NNPTNT đã có Công văn số 4573/BNN-VP gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản; do hiện nay việc vận chuyển, sản xuất, cung ứng các loại hàng hóa nêu trên đang gặp nhiều khó khăn. Việc bổ sung danh mục này nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm trong thời gian trước mắt và ổn định lâu
dài.

Đồng thời, bổ sung các chợ đầu mối tại các địa phương vào diện các sơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16; đề xuất cho một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Cho phép tạm gia hạn các Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y ... thêm 03 tháng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 970/TTg-KGVX ngày 18/7/2021, Bộ NN&PTNT đã  ban hành Quyết định số 3149/QĐ-BNN-VP thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (Tổ công tác 970) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm tổ trưởng.

Tổ công tác đã triển khai họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phía Nam cùng với tổ công tác của Bộ Công thương nắm bắt tình hình sản xuất, nguồn cung, nhu cầu và khả năng điều tiết, tiêu thụ nông sản, thực phẩm thiết yếu.

Để đảm bảo chuỗi cung ứng, hai tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương sẽ kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng, phân phối nông sản để thiết lập lại các chuỗi cung ứng nông sản cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đồng thời, củng cố các chuỗi cung ứng nông sản an toàn; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng và các tổ chức vận chuyển hàng hóa nông sản. 

Chợ đầu mối tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản

Trong báo cáo nhanh về tình hình sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác 970 cho biết, nguồn cung nông sản cho TP.Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng do các chợ đầu mối phải tạm dừng hoạt động.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây - con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị ách tắc do các trạm kiểm soát Covid-19 đang kiểm soát chặt. Việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do lực lượng lái xe, bốc dỡ hàng hóa thiếu vì lo ngại dịch bệnh và khó khăn trong đi lại, cần giấy xét nghiệm làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm.

 Về chợ truyền thống, chợ đầu mối, đây là đầu ra của hơn 70% lượng hàng hóa nông sản cung cấp cho TP.Hồ Chí Minh nhưng hầu hết bị đóng cửa, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản từ các tỉnh cho thành phố. Tâm lý người dân lo ngại thiếu hàng hóa nên tích trữ, đặc biệt là trứng gia cầm, gây nên hiện tượng thiếu cục bộ và tăng giá.

"Hiện, một số chợ truyền thống ở TP.Hồ Chí Minh đã được mở lại, người dân giảm tích trữ, nhưng 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn chưa mở lại nên việc cung cấp hàng hóa từ các địa phương về TP.Hồ Chí Minh gặp khó khăn" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phía Nam đã có công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, buộc phải tạm dừng sản xuất. (Đồng Tháp 3, Cần Thơ 2, TP.Hồ Chí Minh 4, Long An 2, Bà Rịa - Vũng Tàu 2). Ở các tỉnh trong phạm vi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hiện có một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm thủy sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện (vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y). Do áp dụng Chỉ thị 16 nên cơ quan chức năng chưa thể tổ chức thẩm định thực tế để cấp mới, cấp lại hoặc gia hạn theo quy định.


Chia sẻ trên

22/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Hàng trăm nghìn m2 đất nông nghiệp thành dự án không phép - Bài 3: Không thể chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm là xong!

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, có dấu hiệu dung túng, bao che để cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đạt Phát và Công ty Đạt Phát vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, nhưng đến nay chưa có bất cứ cán bộ nào bị xử lý kỷ luật. Không lẽ sự việc sẽ “chìm xuồng” và “hòa cả làng” không ai phải chịu trách nhiệm?

23/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Cung cấp hàng hóa từ các địa phương về TP. Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó khăn

Chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây, con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị tắc nghẽn do các trạm kiểm soát COVID-19 kiểm soát chặt. Về chợ truyền thống, hiện, một số chợ ở thành phố Hồ Chí Minh đã mở lại. Tuy nhiên, 3 chợ đầu mối: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn chưa hoạt động trở lại nên việc cung cấp hàng hóa từ các địa phương về thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó khăn.

22/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Xã Đông Quang, huyện Ba Vì: Lò gạch trái phép gây ô nhiễm môi trường

Trên địa bàn xã Đông Quang, huyện Ba Vì hiện có hai lò gạch xây dựng trên đất nông nghiệp, dù bị cấm vẫn ngang nhiên hoạt động. Xe tải, ống khói của hai cơ sở này đã gây hư hại đường giao thông nội đồng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua.