Sử dụng phụ phẩm

Nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm ngành nông nghiệp

11/09/2021 | Tác giả: Hải Yến


Trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành nông nghiệp là rất lớn. Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm này được xem là nguồn tài nguyên tái tạo nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm ngành nông nghiệp
Ngành thủy sản có nguồn phụ phẩm rất phong phú, có giá trị kinh tế cao khi chế biến. Ảnh: Nguyễn Phong

Để phát huy hết giá trị to lớn của nguồn phụ phẩm phong phú đó, sáng 10/9, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo “Hiện trạng phụ phẩm nông, lâm, thuỷ sản ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất giải pháp”.

Nguồn phụ phẩm đa dạng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 là hơn 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Trong đó, đối với vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2020, vùng Đông Nam Bộ ước tính có hơn 13,9 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, chiếm 9,3% tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long ước tính có 39,4 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, chiếm 26,2% tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước. Tỉnh Kiên Giang có tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với 5,7 triệu tấn.

Trong các lĩnh vực nông nghiệp thì lĩnh vực thuỷ sản có lượng phụ phẩm rất giá trị. Theo ước tính của các chuyên gia thủy sản, tổng phụ phẩm các loại từ ngành chế biến thủy sản khoảng 1 triệu tấn, tương đương 10% tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước và nhập khẩu. Các phụ phẩm thủy sản chủ yếu là cá, tôm nuôi hoặc đánh bắt nhưng bảo quản chưa phù hợp nên bị loại thải hoặc là phụ phẩm từ quá trình chế biến ở các cơ sở chế biến thủy sản.

Các hình thức xử lý, chế biến phụ phẩm thủy sản bao gồm: Tách chiết các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm như tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm, collagen và gelatin từ da cá tra ở các nhà máy hiện đại đầu tư công nghệ cao; làm thức ăn cho chăn nuôi như bột protein, dầu cá, dịch protein thủy phân... Tuy nhiên, hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD năm 2020. Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, đã xuất hiện những công ty chế biến thủy sản đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm mang lại gia trị gia tăng cao. Cụ thể như Công ty CP Vĩnh Hoàn Collagen ở tỉnh Đồng Tháp là doanh nghiệp đầu tiên của cả nước chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Từ năm 2015, Công ty đã xây dựng một nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Chitosan sản xuất chitin từ vỏ tôm, xương mực; sản xuất chitosan và phân bón hữu cơ từ phụ phẩm chế biến thủy sản. Ngoài ra còn đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp đặc biệt là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho nuôi, đặt nền móng cho kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản.

Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến phụ phẩm nông sản

Tại hội thảo, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, phụ phẩm nông, lâm, thuỷ sản là một nguồn tài nguyên lớn, nếu đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong chế biến thì sẽ tạo ra giá trị lớn cho ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cùng quan điểm đó, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết: Việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Theo đó, cần nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tích hợp phương pháp vật lý, hóa học, sinh học áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất, chế biến thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ; sản xuất phân bón hữu cơ các loại; sản xuất năng lượng tái tạo từ sinh khối phụ phẩm nông nghiệp; sản xuất các loại dầu sinh học và năng lượng sinh học từ sinh khối phụ phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu phát triển và nhập khẩu công nghệ các chủng vi sinh vật hữu ích có hiệu suất lên men cao để sản xuất các chế phẩm sinh học, ưu tiên cho công nghệ vi sinh vật trong nông nghiệp để xử lý hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.

Muốn làm được điều đó, thời gian tới cần xây dựng được cơ sở dữ liệu về phụ phẩm nông nghiệp. Cụ thể, tổ chức thực hiện tổng điều tra 5 năm một lần về sinh khối, mức độ cơ giới hóa, công nghệ áp dụng, tỷ lệ sử dụng phụ phẩm của toàn ngành nông, lâm, thủy sản để xây dựng chiến lược hoặc đề án tổng thể nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm toàn ngành trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Thực hiện đánh giá định kỳ 5 năm/lần về trình độ công nghệ trong thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó đánh giá chi tiết các nội dung: Hiện trạng, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất; hiệu quả khai thác công nghệ; năng lực tổ chức, quản lý; năng lực nghiên cứu phát triển, năng lực đổi mới sáng tạo và hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực công nghệ xử lý, chế biến; xây dựng cơ sở dự liệu về phụ phẩm toàn ngành nông, lâm, thủy sản từ các cơ sở dự liệu thành phần của ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản để phục vụ cho quản lý ngành.

Nguồn: https://nhandan.vn/


Chia sẻ trên

10/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch COVID-19

Vụ thu mùa 2021, toàn tỉnh gieo cấy 116.587 ha lúa, hiện tại, nhiều diện tích lúa đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, để bảo đảm mục tiêu sản xuất và công tác chống dịch, ngành nông nghiệp đã ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thu hoạch lúa thu mùa 2021 trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.

11/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Cách nào để biến hàng trăm triệu tấn "rác" nông nghiệp thành tiền?

Năm 2020, tổng phụ phẩm nông nghiệp thải ra hơn 156 triệu tấn. Theo Thứ trưởng Trần Thành Nam, nếu như được đầu tư, chế biến nghiêm túc sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tăng thêm thu nhập cho nhà nông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vậy làm sao để có thể biến 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp này thành tiền?

10/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ về những thành quả sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ và những mục tiêu Hà Nội hướng tới, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.