Xây dựng nông thôn gắn với đô thị hóa

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa

10/09/2021 | Tác giả: Hải Yến


Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ về những thành quả sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ và những mục tiêu Hà Nội hướng tới, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa
Huyện Đan Phượng xây dựng nông thôn mới nâng cao tiệm cận với tiêu chí đô thị. Trong ảnh: Diện mạo khang trang của xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng). Ảnh: Nguyễn Khắc Hiển

- Xin đồng chí đánh giá về những kết quả Hà Nội đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ?

- Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, thành phố Hà Nội đã đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Trong nông nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như năm 2008, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn đạt 20.137 tỷ đồng thì đến năm 2020, con số này đã lên tới 54.492 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 48,5% xuống còn 42,03%; tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 49% lên 54,6%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 2,5% lên 3,37%.

Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao.

Đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện, năm 2008, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Hà Nội đạt 8 triệu đồng thì đến hết năm 2020 đã tăng lên 55 triệu đồng/người/năm.

- Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã đạt kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về thành quả này?

- Sau 13 năm triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Hà Nội đã huy động được hơn 165.355 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn. Đây là nguồn lực rất lớn để kiến thiết hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả khu vực. Cái được lớn hơn chính là bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc xác định vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ trông chờ vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia bằng nhiều hình thức, như: Phát triển kinh tế trang trại, hiến đất, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương...

- Thưa đồng chí, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Hà Nội còn những hạn chế gì?

- Trước hết có thể nói, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương chưa đồng đều. Thu nhập và đời sống của nông dân chưa cao, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn.

- Qua đánh giá thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Hà Nội sẽ phát triển về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như thế nào trong những năm tới, thưa đồng chí?

- Hà Nội xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đây cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Mục tiêu Hà Nội đề ra đến năm 2025 là phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân 2,5-3%/năm, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 70%. Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở lên.

Đến năm 2025, Hà Nội cũng sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng, phát triển 5 huyện trở thành quận và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm...

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ... chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ là xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn…

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/


Chia sẻ trên

10/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Mở ra cơ hội hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp

Từ ngày 9 đến 10-9, Hội Việt-Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Công ty tư vấn nguồn lực Việt có trụ sở tại thành phố San Jose, bang California (Mỹ) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề:“Giao lưu Việt-Mỹ: Những cơ hội hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh nông sản”.

10/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch COVID-19

Vụ thu mùa 2021, toàn tỉnh gieo cấy 116.587 ha lúa, hiện tại, nhiều diện tích lúa đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, để bảo đảm mục tiêu sản xuất và công tác chống dịch, ngành nông nghiệp đã ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thu hoạch lúa thu mùa 2021 trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.

09/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

THÚC ĐẨY NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG KHOA HỌC PHỤC VỤ SỰ SỐNG

Trong chương trình tháp tùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã đến thăm Đại học Tài nguyên thiên nhiên và Khoa học sự sống Viên (gọi tắt là BOKU) tại thủ đô Viên.