Hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững
29/09/2021 | Tác giả: Hải Yến
Hướng đến một nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, là một trong những vấn đề cốt lõi, đã và đang được TP Sầm Sơn đặc biệt quan tâm. Với nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp, TP Sầm Sơn đang từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Để tạo tiền đề thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, năm 2010, thành phố đã tập trung rà soát, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với hệ thống đê điều được đầu tư kiên cố, hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu của thành phố cũng được đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ, từ kênh liên xã đến mặt ruộng, đáp ứng tốt nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và đảm bảo về phòng chống thiên tai tại chỗ. Hiện hệ thống tưới, tiêu nội đồng do xã, phường quản lý đều nằm trong hệ thống tưới tiêu liên xã, với tổng chiều dài 110,3km, phục vụ tưới, tiêu chủ động cho 1.269,8 ha đất sản xuất nông nghiệp hàng năm; trong đó, tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa là 95,7km/110,3km, đạt 87%...
Nhờ đó, giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành nông, lâm, thủy sản hàng năm đạt 6,6%; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 79.575 nghìn tấn. Cụ thể, đối với trồng trọt, địa phương đã tích cực chỉ đạo các xã đổi mới giống và điều chỉnh cơ cấu mùa vụ. Các hình thức chăn nuôi an toàn sinh học có sử dụng đệm lót sinh học và hầm biogas được người dân sử dụng ngày càng phổ biến. Các loại vật nuôi có giá trị như bò Zebu sinh sản, gà Lạc Thủy, gà Rila, thỏ,... được đưa vào chăn nuôi. Cùng với đó, thành phố đã ban hành đề án cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất và hỗ trợ cho nông dân, các HTX mua sắm máy móc, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Kết quả, giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản nâng từ 61 triệu đồng (năm 2010) lên 150 triệu đồng (năm 2020).
Đặc biệt, thành phố đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, để vừa nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái gắn với du lịch, vừa từng bước tăng thu nhập, mức sống của người dân, cũng như góp phần bảo vệ quốc phòng - an ninh chủ quyền trên các vùng biển. Những năm qua, sản xuất thủy sản trên địa bàn tăng trưởng ổn định, với tổng diện tích nuôi trồng 110 ha. Trong đó có gần 59,5 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ (tôm, cua, cá vược, cá sủ...) tập trung chủ yếu ở phường Quảng Châu, Quảng Cư, Quảng Thọ; phần còn lại là diện tích mặt nước ao, hồ và chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cá - lúa kết hợp. Năm 2020, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 29.000 tấn/năm. Năm 2021 mặc dù gặp nhiều yếu tố bất lợi, song tính đến tháng 9-2021, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 21.803 tấn, bằng 81,7% so với kế hoạch, tăng 0,7% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 21.715 tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 88 tấn.
Để tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, thành phố đã xây dựng chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2021–2025, với mục tiêu đề ra là nâng tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn lên trên 24.000 tấn (khai thác 23.900 tấn, nuôi trồng 100 tấn trở lên). Tổng số tàu cá có động cơ khai thác biển 1.062 chiếc, trong đó tàu cá có chiều dài từ 12 mét trở lên là 367 chiếc (tăng 18% so với năm 2020); tàu cá có chiều dài dưới 12 mét là 695 (giảm 50% so với năm 2020). 100% tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ khai thác tham gia tổ, đội đoàn kết, mô hình liên kết sản xuất giữa khai thác, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng trên 600 tàu neo đậu. Công suất bến cá, cảng cá đạt 18.000 tấn hàng thủy sản/năm. Xây dựng và phát triển ít nhất 1 mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung đạt chứng nhận VietGAP (GlobalGAP, ASC.BAP) hoặc công nghệ cao...
Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với Chương trình OCOP cho 5 sản phẩm, thuộc nhóm thực phẩm chế biến thủy, hải sản và dịch vụ du lịch. Đồng thời, hoàn thành thủ tục, hồ sơ đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); được đánh giá, xếp hạng sản phẩm và công nhận đạt 3 sao trở lên. Cụ thể, năm 2021, xây dựng 2 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chế biến thủy, hải sản là sứa đóng gói ăn liền tại xã Quảng Hùng và nước mắm cá trích Bông Sen Sầm Sơn tại phường Bắc Sơn. Năm 2022, xây dựng sản phẩm moi khô Sầm Sơn tại xã Quảng Đại. Năm 2023, xây dựng sản phẩm cá mờm khô Sầm Sơn tại phường Trường Sơn. Năm 2024-2025, xây dựng sản phẩm mực khô Sầm Sơn tại phường Quảng Tiến. Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng thêm các sản phẩm ở các xã, phường còn lại, phấn đấu đến năm 2030 bảo đảm mỗi xã, phường có ít nhất 1 sản phẩm OCOP, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, TP Sầm Sơn sẽ tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20-4-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII), xem đây là khâu đột phá để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025; tổ chức quản lý và thực hiện hiệu quả các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; thực hiện tốt việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao.
Cùng với đó, thành phố cũng tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư từ quá trình khảo sát, thực hiện đầu tư, sản xuất và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm..., đồng thời giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, thành phố tập trung đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; chú trọng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị xanh, sạch, gắn với kinh tế du lịch. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành cấp tỉnh thực hiện tốt công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Đồng thời, huy động và bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ công tác quảng bá thương hiệu các sản phẩm; lồng ghép việc phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm vào các chương trình, kế hoạch khác của thành phố. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn...
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/