Hệ lụy kép từ ăn đong nguyên liệu nhập

Hệ lụy kép từ ăn đong nguyên liệu nhập

27/12/2018 | Tác giả: Thế Vinh


Vẫn còn một danh sách nối dài những nhóm ngành công nghiệp chế biến trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này có thể vừa làm hạn chế lợi nhuận của doanh nghiệp nội, vừa giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.

Hệ lụy kép từ ăn đong nguyên liệu nhập

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết năm 2018, Việt Nam là nước xuất khẩu (XK) dệt may vào Mỹ với tỷ trọng rất lớn, nhưng cũng là nước NK lớn của Mỹ đối với bông nguyên liệu, lớn hơn cả Trung Quốc.

"Điều đó giúp cân đối cán cân thương mại, tạo ra sự phát triển bền vững và không gây áp lực cho bên nào. Đây cũng là vấn đề chiến lược hợp tác giữa VITAS với Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) trong thời gian qua", ông Giang nói.

Khó chủ động sản xuất

Năm ngoái, Việt Nam đã chi khoảng 1 tỷ USD để NK bông Mỹ. Trong một chuyến khảo sát nguồn nguyên liệu bông tại Mỹ, ông Giang cho biết có đề nghị CCI tổ chức tổng kho ngoại quan của bông Mỹ vào thị trường Việt Nam, đặt tại Tp.HCM và Hải Phòng (là hai khu vực có chiến lược phát triển bông Mỹ rất lớn), cũng như tạo cơ chế tài chính nhằm rút ngắn thời gian mua bông cho doanh nghiệp (DN) Việt.

Giới chuyên gia nhận định, với chiến lược NK nguyên liệu bông Mỹ như hiện nay sẽ giúp sản phẩm dệt may Việt sang Mỹ vừa được truy xuất nguồn gốc dễ dàng hơn, vừa có giá trị gia tăng cao hơn.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là ngành dệt may Việt vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu NK, trong đó vẫn phải nhập hơn 40% nguyên liệu từ Trung Quốc. Điểm hạn chế này không mang lại nhiều lợi nhuận cho DN dệt may Việt với đa phần là làm gia công cho các công ty nước ngoài.

Như đánh giá mới đây của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giá trị nguyên liệu đầu vào NK so với giá trị hàng hóa sau gia công ở nhóm ngành dệt may là 67,1%, đứng ở vị trí thứ hai sau nhóm hàng điện thoại với 78,9%. Vị trí thứ ba thuộc về ngành da giày (47%) và nhóm hàng hóa khác là 74,7%.

Điều đáng nói, tỷ lệ giá trị nguyên liệu NK về để gia công, lắp ráp trên tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao với 62,3%, cho thấy tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, vì nguyên liệu phục vụ cho gia công, lắp ráp phần lớn do phía nước ngoài cung cấp và sở hữu, nên DN Việt Nam khó có thể chủ động trong quá trình sản xuất và chưa thực sự làm chủ được công nghệ. Vì vậy, giá trị gia tăng đem lại từ hoạt động này không cao, tỷ lệ thu từ hoạt động gia công so với giá trị hàng hóa sau gia công rất thấp.

Ngày càng phụ thuộc

Trong khi đó, tình hình NK nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, XK tại Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên. Đặc biệt là nguyên phụ liệu ngành dệt may và da giày trong 11 tháng năm 2018 đã tăng 2,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; mặt hàng chất dẻo nguyên liệu tăng 1,42 tỷ USD, hóa chất dùng làm nguyên liệu tăng 1,01 tỷ USD…

Vấn đề phụ thuộc vào nguyên liệu NK cũng được lưu ý tại hội thảo giới thiệu Triển lãm sơn phủ và mực in (Coatings Vietnam 2019) ở Tp.HCM hồi cuối tuần qua. Bà Nguyễn Thị Lạc Huyền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VPIA), cho rằng thách thức lớn đối với các DN ngành sơn nội địa vẫn là giá nguyên liệu, trong khi lại phụ thuộc nguyên liệu nhập quá nhiều.

"Giá các loại nguyên liệu ngành sơn phủ đều tăng và có một số nguyên liệu thiếu hụt nguồn cung gay gắt. Trong khi đó, trên thị trường sơn lại được dẫn dắt bởi một nhóm DN dẫn đầu, cạnh tranh rất khốc liệt. Có những DN quan tâm chiếm giữ thị phần hoặc hy sinh lợi nhuận khi giá nguyên liệu tăng", bà Huyền chia sẻ.

Ngay như lĩnh vực nông sản thực phẩm vốn là thế mạnh ở một quốc gia về nông nghiệp như Việt Nam nhưng nhiều DN cũng phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập.

Như chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Food: "Chúng ta còn đang NK rất nhiều nguyên phụ liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Gần như 100% các nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm là phải NK".

Theo bà Lâm, đầu vào của nguyên liệu quyết định gần như 80% chất lượng của đầu ra, vì vậy các DN XK rất cần nguồn nguyên liệu trong nước phải vừa ổn định, vừa có chất lượng.

"Mỗi năm, chúng ta phải NK 3,5 tỷ USD những nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi thực phẩm. Điều đó đặt dấu hỏi lớn cho ngành công nghiệp chế biến trong nước", bà Lâm bày tỏ.

Trên thực tế, còn cả một danh sách nối dài những nhóm ngành công nghiệp chế biến ở trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu NK. Điều này sẽ dễ khiến các DN nội đối mặt các tác động từ những yếu tố như biến động về tỷ giá, về nguồn hàng cung cấp, cộng thêm chi phí NK và nhiều yếu tố khác, khiến cho giá thành sản phẩm XK và tiêu thụ trong nước sẽ khó cạnh tranh hơn so với sản phẩm của khối ngoại.

Theo TBKD


Tags

Chia sẻ trên

27/12/2018 | Đăng bởi: Duyên Duyên

Buôn lậu trong kinh doanh xăng dầu đang diễn biến phức tạp

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

27/12/2018 | Đăng bởi: Phạm Minh

Phân lô đất nông nghiệp trái phép, xử lý như thế nào?

Thời gian gần đây, một số khu vực có chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Theo một số luật sư, mức xử phạt sẽ từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

27/12/2018 | Đăng bởi: Lê Quốc

Chuối ế, mía ế, U Minh Thượng lo mất Tết

Mía, chuối rớt giá liên tục, nông dân lao đao, thậm chí không cần thu hoạch.